Quốc tế

NATO nỗ lực tháo loạt rào cản

08:34, 21/06/2024 (GMT+7)

Theo báo Welt am Sonntag, hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại Washington (Mỹ) từ ngày 9 đến 11-7. Sự kiện đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày ra đời tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh kể từ sau Thế chiến 2 nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trên nhiều vấn đề gai góc trước những thách thức mang tính toàn cầu.

Việc chia sẻ gánh nặng trong NATO đã và đang là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Khi còn nắm quyền lãnh đạo, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo các thành viên không đóng góp đúng như đã cam kết. Tuy nhiên, đầu tháng 6-2024, tại sự kiện của Defense Writers Group (hiệp hội phóng viên quốc phòng và an ninh quốc gia với 50 tổ chức tin tức thành viên trên toàn cầu), đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết, ước tính hơn 20 quốc gia trong tổng số 32 thành viên NATO sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quân đội của mình vào năm 2024 và đó là bước nhảy vọt sau một thập niên thực hiện cam kết.

Một rào cản khác là tìm kiếm người thay thế Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Việc đề cử lãnh đạo mới cần có sự đồng thuận của tất cả 32 thành viên liên minh, và hầu hết dường như sẵn sàng ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho biết, họ sẽ ủng hộ ứng cử viên Mark Rutte. Một trong những nước không ủng hộ là Hungary nhưng ngừng phản đối vào ngày 18-6. Điều kiện để Thủ tướng Hungary Viktor Orban chấp thuận là ông Mark Rutte đồng ý tôn trọng thỏa thuận đạt được giữa ông với ông Stoltenberg rằng sẽ không có binh sĩ Hungary nào tham gia vào các hoạt động của NATO ở Ukraine và sẽ không có quỹ nào của Hungary dùng để hỗ trợ cho nước này. Reuters dẫn lời Tổng Thư ký NATO Stoltenberg phát biểu: “Rõ ràng chúng ta đang tiến rất gần đến thỏa thuận trong liên minh. Đó là tin tốt và ông Mark Rutte là ứng cử viên rất nặng ký”.

Không dừng lại ở đó, theo Politico, các nước thành viên NATO đang chuẩn bị ký kết kế hoạch mới để liên minh này thay thế Mỹ trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine. Sự thay đổi này được coi là động thái của các đồng minh NATO ở châu Âu trong Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine nhằm đề phòng khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11-2024. Ông Trump thường cảnh báo rút lại các cam kết của Mỹ với Ukarine. Tại hội nghị ở Michigan (Mỹ) ngày 15-6, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng gửi hàng chục tỷ USD cho Ukraine nếu như ông tái đắc cử.

Cũng liên quan đến Ukraine là việc tìm kiếm tư cách thành viên của Ukraine tại hội nghị sắp tới, nhất là sự vận động tích cực của các thành viên ở khu vực Baltic. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị thay đổi về cán cân quyền lực cũng như mối đe dọa tiềm tàng trên phạm vi toàn cầu, các nước chủ chốt NATO đánh giá việc trở thành thành viên NATO của Ukraine hiện chưa thích hợp. Vì thế, điều kiện mà Ukraine gia nhập NATO như RT dẫn lời Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 17-6 cho biết: “Trước tiên họ cần phải thắng”. Câu trả lời đó ví việc khép lại cánh cửa cho những nỗ lực của Ukraine bấy lâu nay. Trong khi đó, ông Stoltenberg nói rằng các nước thành viên NATO vẫn có quan điểm khác nhau về việc kết nạp Ukraine, cho thấy mong mỏi của Ukraine dường như sẽ khó trở thành hiện thực tại hội nghị sắp tới.

Rõ ràng, lợi ích của các thành viên NATO không phải lúc nào cũng tương đồng, do đó bản thân NATO cũng phải đối phó với loạt vấn đề nội bộ. Mặt khác, NATO cũng bị coi là cơ chế cồng kềnh và tốn kém. Mỗi năm, cơ chế này tiêu tốn gần 4 tỷ USD của các nước thành viên. Tuy nhiên, đây chỉ là số tiền trực tiếp chi trả cho các hoạt động chung của khối như quản lý, liên lạc, hệ thống chỉ huy và cảnh báo chung…, còn tổng số tiền mà mỗi nước phải chi ra để đáp ứng nhu cầu phòng vệ chung sẽ lớn hơn nhiều.

LÊ MINH HÙNG

.