Quốc tế

Giải bài toán ngoại giao nguồn nước

07:59, 19/06/2024 (GMT+7)

Căng thẳng biên giới giữa Mỹ và Mexico đang ngày một gia tăng song tình trạng này thực ra không phải xuất phát từ vấn đề di cư mà về nguồn nước.

Sông Rio Grande tạo thành biên giới Mỹ-Mexico tại Công viên bang Big Bend Ranch gần Presidio, Texas. Ảnh: Getty Images
Sông Rio Grande tạo thành biên giới Mỹ-Mexico tại Công viên bang Big Bend Ranch gần Presidio, Texas. Ảnh: Getty Images

Những gì cả Mỹ và Mexico cùng đối mặt hiện nay càng làm rõ thực trạng khốc liệt của biến đổi khí hậu dẫn đến khó khăn không nhỏ trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới vốn đang bị thu hẹp một cách đáng báo động trong một thế giới nóng hơn, khô cằn hơn.

Nỗi đau của đôi bên

Bài viết mới nhất của CNN lột tả một cách chân thực người dân gần biên giới Mỹ-Mexico đang gánh chịu cuộc khủng hoảng nước. Các hồ chứa nước tại Texas (Mỹ) sụt giảm đáng kể công suất và thậm chí đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi Mexico cũng hứng chịu đợt hạn hán cực đoan ảnh hưởng tới 90% diện tích lãnh thổ và các thành phố - gồm cả Mexico City với hơn 20 triệu cư dân - đang bên bờ vực của “Day Zero” (ngày 0, tức ngày hết nước).

Theo hiệp ước tồn tại hơn 80 năm, cứ 5 năm một lần, Mexico chuyển 2,1 tỷ m3 nước từ sông Rio Grande sang Mỹ. Đổi lại, hàng năm, Mỹ phải chia sẻ1,8 tỷ m3 nước từ sông Colorado đến nước láng giềng. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng và nhiệt độ tăng vọt, Mexico không còn khả năng đáp ứng điều khoản của hiệp ước khi không có đủ lượng nước chia sẻ như dự kiến. Trong khi đó, nông dân ở nam Texas vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu mưa ca thán Mexico không thực thi nghĩa vụ đầy đủ khiến tương lai của ngành nông nghiệp Texas gặp rủi ro nghiêm trọng.

Trong bối cảnh cả hai quốc gia đang lo ngại về một mùa hè nóng nực và kéo dài, giới chuyên gia cho rằng, các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước phải điều chỉnh để tương thích với tình hình biến đổi khí hậu. Thay vì coi nước là “trò chơi có tổng bằng 0”, trong đó lợi ích của một bên phụ thuộc vào sự mất mát của bên kia, cả hai bên nên nhận ra rằng họ đang cùng thua vì biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy hợp tác vì an ninh nguồn nước

Theo Smart Water Magazine, tình trạng khan hiếm nước ngày càng tăng do các yếu tố như tăng dân số, mở rộng kinh tế, biến đổi khí hậu khiến căng thẳng gia tăng giữa các bên liên quan. Thực trạng này có thể biểu hiện từ bất ổn cục bộ giữa các cộng đồng trong tiếp cận nguồn nước cho đến căng thẳng giữa các quốc gia mà điển hình là việc quốc gia ở thượng nguồn muốn xây dựng cơ sở hạ tầng mà không tham vấn, đàm phán về mức độ tác động tiềm tàng với các nước láng giềng ở hạ nguồn.

Cũng theo Smart Water Magazine, châu Phi chứng kiến Ai Cập, Sudan và Ethiopia dính vào chuỗi căng thẳng kéo dài trong nhiều năm liên quan sử dụng nước sông Nile và vẫn còn tồn tại dai dẳng đến nay. Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Trung Đông khi Syria và Iraq có nguy cơ đối mặt căng thẳng mới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi dòng sông Euphrates và Tigris khởi nguồn. Ở Trung Á, xung đột về nước nảy sinh từ sự tương tác phức tạp giữa di sản địa chính trị, thách thức môi trường và nhu cầu khác nhau của các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là giữa Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Ở Mỹ Latinh, Costa Rica và Nicaragua có chung lưu vực thủy văn lớn nhất ở Trung Mỹ, đó là sông San Juan. Song, quan hệ hai nước “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do bất đồng trong phân định biên giới, quyền hàng hải và bảo vệ môi trường. Rõ ràng, ngoại giao nước có thể mang tính xây dựng trong hợp tác quản lý nước, cải thiện nguồn lực và năng lực quản trị của các bên, thúc đẩy quá trình ra quyết định hợp tác và thể chế chính sách toàn diện; đồng thời tạo điều kiện giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Theo đó, ngày càng có sự thừa nhận về tầm quan trọng của ngoại giao nguồn nước nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột liên quan đến nước. Ví dụ điển hình là hiệp ước chia sẻ nước sông Hằng được ký kết giữa Ấn Độ và Bangladesh vào năm 1996 và hết hạn vào năm 2026.

Không nên quên rằng nước không chỉ là tài nguyên mà còn là biểu thị quyền tiếp cận chính đáng của con người trong mọi khía cạnh cuộc sống. Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy hợp tác quốc tế để nhìn nhận nước là động lực ổn định và chất xúc tác cho sự phát triển bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và dân số tiếp tục tăng tạo viễn cảnh khá mong manh về tài nguyên nước trong tương lai. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa các quốc gia để bảo đảm an ninh nguồn nước. Mục tiêu là không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận nguồn tài nguyên vô giá này trong khi điều cần phải gạt bỏ chính là nhu cầu khẳng định quyền thống trị với tư cách bá quyền trong việc điều tiết dòng chảy.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc nguồn nước xuyên biên giới quốc gia, nhưng chỉ có 24 quốc gia có thỏa thuận hợp tác về chia sẻ nguồn nước. Các vùng nước xuyên biên giới chiếm 60% dòng chảy nước ngọt của thế giới và 153 quốc gia có lãnh thổ nằm trong ít nhất một trong số 310 lưu vực sông hồ xuyên biên giới.

THƯ LÊ

.