Quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine: Kết thúc mà không có đột phá

08:10, 18/06/2024 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ đã khép lại sau hai ngày làm việc 15 và 16-6 với thông cáo chung. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có những quốc gia có tầm ảnh hưởng đã không ký vào thông cáo đó dù có tham gia.

Theo Reuters, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Saudi Arabia là ba trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới đã không đồng thuận với bản thông cáo chung có nội dung ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Bất kể việc có hơn 80/101 số quốc gia và các tổ chức quốc tế (hầu hết đến từ các nước phương Tây) tham dự hội nghị ký đồng thuận, ý kiến khác của nhóm các quốc gia nói trên là chỉ dấu cho thấy rõ ràng thế giới vẫn đang tồn tại những quan điểm rất khác nhau về vấn đề Ukraine. Sự chia rẽ này là rất rõ nếu nhìn vào thực tế những nước nào đồng thuận, nước nào không. Trong số các nước đồng thuận, giới quan sát đặc biệt chú ý Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có mối quan hệ thương mại gần gũi với Nga, hay như các trường hợp khác là Argentina, Iraq, Qatar và Rwanda. Tuy nhiên, Saudi Arabia, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, Mexico và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã không ký. Brazil tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên và cũng không ủng hộ văn bản đó.

Hội nghị này có vẻ giống cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khi tại đây nhiều nước nói về Hiến chương LHQ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các bên tham gia đi đến đồng thuận cho rằng xung đột tại Ukraine phải kết thúc bằng “nền hòa bình công bằng và lâu dài”, chứ không phải hòa bình bằng bất cứ giá nào. Phát biểu ở thời điểm khép lại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh “những bước đầu tiên hướng tới hòa bình”, nhưng thừa nhận không phải mọi thành viên tham dự đều có chung quan điểm. Có khoảng 100 quốc gia được mời tham dự, nhưng Nga không được mời còn Trung Quốc từ chối tham dự một hội nghị bàn giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine mà lại không mời Nga.

Phù hợp với những mục tiêu rất khiêm tốn đã được đặt ra từ đầu, tại hội nghị này, không có bất cứ cuộc thảo luận nào bàn về việc giải pháp cho giai đoạn hậu xung đột sẽ ra sao, cũng như câu chuyện hy vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine sẽ như thế nào. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, người chủ trì hội nghị, cho rằng, việc đại đa số các thành viên tham dự hội nghị nhất trí với thông cáo chung đã cho thấy những gì mà ngoại giao có thể đạt được.

Dù không dự hội nghị song Tổng thống Nga Vladimir Putin gián tiếp chia sẻ những điều kiện của ông để có thể tiến hành đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine. Theo TTXVN, ngày 16-6, các hãng tin của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin không loại trừ khả năng đàm phán với Ukraine, nhưng yêu cầu phải đảm bảo độ tin cậy của bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ông Putin nêu rõ, Nga sẽ ngay lập tức ngừng bắn và sẵn sàng đàm phán với Ukraine sau khi Ukraine rút quân khỏi lãnh thổ thuộc các khu vực mới của Nga; đồng thời lưu ý sự hiện diện của các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp trong đàm phán với Ukraine. Ông Peskov cho biết, sáng kiến hòa bình của ông Putin không phải là tối hậu thư mà là phản ứng với tình hình hiện tại trên chiến trường. Nếu đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân, một chính trị gia sẽ cân nhắc đề xuất như vậy. Thêm vào đó, ông khẳng định, Tổng thống Zelensky không phải người phù hợp để ký các thỏa thuận bằng văn bản về vấn đề Ukraine, vì “điều này về mặt pháp lý là bất hợp pháp”. Tuy nhiên, đến nay, những đề xuất của ông Putin bị người đồng cấp Ukraine Zelensky lập tức bác bỏ.

Với các quan điểm của hai bên không có gì thay đổi kể từ đầu xung đột, cộng thêm diễn biến gia tăng đáng lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân thời gian qua, có thể thấy lối ra cho xung đột vẫn rất mờ mịt. Thực tế, khi hội nghị kết thúc, các thông tin chi tiết về những thời hạn chót hay các kế hoạch cho những lần họp tiếp theo vẫn còn rất mơ hồ, theo Politico.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.