Quốc tế

Đi tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

08:39, 17/06/2024 (GMT+7)

Cuối tuần qua, nhiều nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Thụy Sĩ với mong muốn cùng nhau tìm kiếm giải pháp hướng đến chấm dứt xung đột ở Ukraine, thiết lập lòng tin và hòa bình. Tuy nhiên, việc Nga không tham dự, cùng với tình hình các bên bộc lộ quan điểm khác nhau về mức độ tiến bộ sắp tới khiến cuộc gặp lần này khó đạt đột phá.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự họp báo tại hội nghị ngày 15-6. Ảnh: AP
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự họp báo tại hội nghị ngày 15-6. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được tổ chức từ ngày 15 đến 16-6 với sự tham gia của đại diện 92 quốc gia. Đáng chú ý, sự vắng mặt của một số quốc gia có tầm ảnh hưởng như Trung Quốc được cho là sẽ làm giảm tác động của sự kiện.

Xác định các bước hướng tới hòa bình

Swichinfo.ch dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh: “Hội nghị nhằm truyền cảm hứng thúc đẩy tiến trình hòa bình trong tương lai và xác định các yếu tố thực tế cũng như các bước hướng tới một tiến trình như vậy. Các quốc gia tham gia nên đóng góp ý tưởng và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine”. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd kêu gọi cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị cho khả năng diễn ra đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan và đó là lý do hội nghị này diễn ra.

Theo Stars and Stripes, hội nghị tập trung vào ba mục chương trình nghị sự - được coi là phần ít gây tranh cãi nhất trong “công thức” hòa bình 10 điểm do Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra, đó là an toàn hạt nhân, bao gồm cả nhà máy điện Zaporizhzhia; khả năng trao đổi tù binh chiến tranh; và an ninh lương thực toàn cầu. Bên cạnh các phiên họp toàn thể, với nội dung thảo luận về các chủ đề được đề cập trước đó, hội nghị cũng thảo luận về cách thức và thời điểm Nga có thể tham dự tiến trình này.

Đến nay, một số quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động, tích cực đề xuất các sáng kiến hòa bình cho vấn đề Ukraine. Trên thực tế, một số quốc gia cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga trong thời gian qua, chẳng hạn trao đổi tù nhân hoặc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Sự hiện diện của Nga mang tính then chốt trong đàm phán

Hầu hết các chuyên gia đánh giá một cách thực tế rằng, dù hội nghị mang tầm quốc tế lần này có sự tham gia đông đảo của nhiều lãnh đạo thế giới nhưng rốt cuộc đây chỉ được coi là nỗ lực mang tính biểu tượng và rất khó để đạt đột phá khi thiếu sự hiện diện và tiếng nói của Nga. Theo DPA, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cảnh báo: “Chúng tôi giống như đang ở trong phòng hợp xướng của phương Tây. Tất cả chúng tôi đều đồng ý, nhưng điều đó là chưa đủ”. Ông hàm ý rằng các nước như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi cũng có tiếng nói đặc biệt quan trọng trong sự kiện này. Theo DW, Trung Quốc và Brazil từ chối tham dự hội nghị bởi họ lập luận rằng nếu không có sự tham gia của Nga, một cuộc họp như vậy sẽ vô nghĩa. Theo TTXVN, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, để giải quyết tình hình ở Ukraine, cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm cải thiện đối thoại giữa Nga và Ukraine. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần khuyến khích bất kỳ bước nào tiến tới đàm phán nghiêm túc như một phần của lộ trình hướng đến hòa bình. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý, không thể đạt được hòa bình cho Ukraine nếu không có sự tham gia đối thoại của Nga và có thể đạt được điều này trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đồng quan điểm, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho rằng nếu muốn hòa bình, đến một lúc nào đó Nga cần phải tham gia vào quá trình đàm phán. Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric nhận định, sự hiện diện của Nga có ý nghĩa then chốt trên bàn đàm phán.

Theo TASS, ngày 14-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, không thể tìm ra giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine nếu không có sự tham gia của Nga và đối thoại thẳng thắn. Theo ông, rõ ràng ngay cả bây giờ, những vấn đề thực sự cơ bản gây ra cuộc khủng hoảng an ninh và ổn định quốc tế hiện nay, cũng như nguồn gốc thực sự của cuộc xung đột Ukraine, vẫn không được thảo luận ở hội nghị lần này. Trong khi đó, theo The Moscow Times, ngày 15-6, Tổng thống Zelensky cho biết, ông sẽ trình bày các đề xuất giải quyết vấn đề với đại diện của Nga sau khi được cộng đồng quốc tế nhất trí để tại hội nghị lần tiếp theo, các bên liên quan có thể kết thúc hoàn toàn xung đột. Tuy nhiên, ông Zelensky không đề cập khả năng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin.

Trước thềm hội nghị trên, Tổng thống Nga Putin nêu đề xuất hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Theo đó, ông Putin khẳng định Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán nếu Ukraine rút quân khỏi miền nam và miền đông Ukraine cũng như từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); đồng thời tuyên bố Nga sẵn sàng bảo đảm việc rút quân an toàn của các đơn vị Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ngay lập tức bác bỏ những điều kiện này.

THƯ LÊ

.