Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS
Việc Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là diễn biến đáng chú ý. Ý định đằng sau nguyện vọng này là gì và liệu BRICS có sẵn lòng đón nhận thành viên mới này không?
Theo SCMP, trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 3-6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết:“Chắc chắn chúng tôi muốn trở thành thành viên của BRICS. Hãy xem mọi chuyện diễn ra như thế nào trong năm nay”. Tuyên bố này được dư luận nhìn nhận như động thái “quay xe” của Thổ Nhĩ Kỳ sau thời gian mòn mỏi chờ đợi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) do vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét BRICS như giải pháp thay thế khả dĩ hơn. “BRICS, với tư cách là nền tảng hợp tác quan trọng, mang lại cho các quốc gia khác giải pháp thay thế tốt. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở BRICS”, ông Fidan nói. Việc gia nhập ngôi nhà mới này cũng phù hợp chiến lược hình thành các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ dưới hình thức thể chế vốn là một trong những ưu tiên quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, đó cũng là “con đường tắt” để thỏa mãn mong muốn ngày càng tăng về chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán và độc lập với tư cách là chủ thể lớn trong khu vực và ít phụ thuộc hơn vào phương Tây.
Thực ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ý định tham gia BRICS cách đây 6 năm tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm này. Ở thời điểm đó, theo SCMP, phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào các động cơ vật chất thúc đẩy mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ thêm chữ “T” (Turkey) vào BRICS. Tuy nhiên, kể từ đó vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Theo trang E-International Relations, khả năng gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ là động thái cùng có lợi. Lợi ích tiềm năng đầu tiên mà Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận là sự gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Tiếp đến là lợi ích về phát triển kinh tế khi có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do BRICS sáng lập. Trong khi đó, với việc chấp nhận thành viên mới này, BRICS sẽ tiếp thêm sức mạnh mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ vị trí địa lý chiến lược cũng như bản sắc và mối quan hệ độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây và thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, còn cả chặng đường dài phía trước để vào BRICS bởi trở ngại chính nằm ở là tư cách thành viên NATO của nước này.
Theo TASS, ngày 4-6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry hoan nghênh ý định của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết việc này sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng của các nước thành viên vào các ngày 10 và 11-6 tại Nizhny Novgorod (Nga). Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, cánh cửa BRICS luôn rộng mở cho đại diện của các hệ thống kinh tế, chính trị và khu vực vĩ mô đa dạng nhất song với điều kiện duy nhất là tuân theo nguyên tắc then chốt về bảo đảm sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS có thể tiếp tục khiến phương Tây, đặc biệt NATO, khó chịu và dè chừng hơn bởi trước đó nước này bị các đồng minh phương Tây “đẩy sang một bên” và chỉ trích vì mối quan hệ đang xích lại gần Nga, thậm chí còn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang “xoay trục” khỏi liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Với 5 quốc gia ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, BRICS kết nạp thêm 5 thành viên mới từ ngày 1-1 gồm Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ethiopia, giúp GDP nhóm chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với 46% dân số thế giới. Nhiều nước khác đang xếp hàng để được gia nhập trong năm nay nhưng họ có thể sẽ phải đối mặt với trở ngại. Nga và Trung Quốc mong muốn mở rộng nhóm và tạo ra đồng tiền chung để cạnh tranh với đồng USD và các chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng Ấn Độ muốn giảm tốc độ kết nạp thành viên mới. Businessline cho biết, Ấn Độ muốn BRICS giữ lại bản chất ban đầu của mối quan hệ đối tác bình đẳng. Nước này muốn có khoảng thời gian khoảng 5 năm trước khi kết nạp nhóm quốc gia thứ hai. Họ tin rằng cần có thời gian tối thiểu để BRICS điều chỉnh hoạt động của mình sau khi tiếp nhận các quốc gia mới vào đầu năm nay.
THƯ LÊ