Quốc tế
Nhiều hãng xe Nhật Bản dính bê bối gian lận
Hàng loạt thương hiệu ô-tô của Nhật Bản như Toyota, Honda, Mazda, Suzuki... thừa nhận vi phạm dữ liệu thử nghiệm hoặc thử nghiệm không đúng cách đối với các mẫu xe của họ.
Vụ bê bối liên quan đến Toyota gây chấn động ngành công nghiệp ô-tô Nhật Bản. Ảnh: Getty Images |
Theo Nikkei Asia, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã yêu cầu các nhà sản xuất ô-tô và xe máy trong nước điều tra lại toàn bộ hoạt động của họ từ năm 2014. Kết quả điều tra cho thấy, có rất nhiều hành vi vi phạm của những thương hiệu này, bao gồm gửi dữ liệu sai, viết lại phần mềm điều khiển động cơ, nhập sai báo cáo thử nghiệm, tiến hành thử nghiệm trong điều kiện không phù hợp và sửa đổi phương tiện thử nghiệm không đúng cách trong thử nghiệm va chạm. Tổng cộng có 38 mẫu từ 5 công ty này, gồm 6 mẫu hiện có trên thị trường và 32 mẫu đã ngừng sản xuất, có sai phạm.
Hàng loạt vi phạm bị phanh phui
Theo Japan Times, Toyota, Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha đều thừa nhận hành vi gian dối, đồng thời phải tạm dừng sản xuất, xuất xưởng và bán các mẫu xe liên quan ngay sau khi MLIT phát hiện bất thường trong đơn xin chứng nhận cho một số mẫu xe nhất định. Theo điều tra, các nhà sản xuất này đã cung cấp dữ liệu kiểm tra không chính xác hoặc đã bị can thiệp, thao túng khi nộp đơn xin chứng nhận cho xe.
Cụ thể, Toyota thừa nhận sai phạm xảy ra trong các bài kiểm tra khác nhau vào các năm 2014, 2015 và 2020. Các phương tiện bị ảnh hưởng gồm ba mẫu xe đang được sản xuất - Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross - và các phiên bản đã ngừng sản xuất, trong đó có mẫu xe thương hiệu hạng sang Lexus. Toyota, nhà sản xuất ô-tô lớn nhất thế giới tính theo số lượng, vẫn đang điều tra vấn đề liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe, và đặt mục tiêu hoàn tất cuộc điều tra vào cuối tháng này. Uớc tính, khoảng 1,7 triệu xe Toyota bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối. Việc làm sáng tỏ các hệ thống thử nghiệm tại Toyota và các công ty thuộc tập đoàn này thực sự là đòn giáng đối với một nhà sản xuất ô-tô vốn tự hào trong nhiều thập niên về sự khéo léo trong sản xuất và văn hóa doanh nghiệp với sứ mệnh tạo ra những chiếc xe ngày càng tốt hơn. Công ty này đang trấn an người tiêu dùng khi khẳng định mẫu xe sản xuất đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và khách hàng không cần ngừng sử dụng xe của họ.
Trong khi đó, Mazda bị cáo buộc gian lận dữ liệu động cơ trên MX-5 RF và Mazda2 hatchback, đồng thời thừa nhận thử nghiệm va chạm trên Atenza/Mazda6 và Axela/Mazda3 (đã ngừng sản xuất) cũng bị làm sai lệch. Một thiết bị bên ngoài đã được sử dụng để kích hoạt túi khí thay vì để cảm biến trên xe tự kích hoạt. Tất cả đều là những đời xe đã ngừng sản xuất. Tương tự, Honda, hãng xe có số lượng mẫu xe liên quan đến gian lận nhiều nhất, đưa ra tuyên bố sai sự thật trong bài kiểm tra tiếng ồn đối với 22 mẫu xe/thế hệ xe đã ngừng sản xuất. Suzuki cũng bị chỉ trích vì sự không trung thực về khoảng cách phanh an toàn trên chiếc Alto phiên bản LCV thuộc thế hệ cũ được sản xuất trong giai đoạn 2014 - 2017 khi khai báo quãng đường xe di chuyển từ lúc phanh đến lúc dừng hẳn ngắn hơn so với kết quả đo thực tế.
Tác động ở mức nào?
Những vụ bê bối của các nhà sản xuất ô-tô đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản, vốn trước đó đón nhận được sự khen ngợi từ giới đầu tư và lãnh đạo về bước tiến cải cách quản trị doanh nghiệp. Reuters dẫn lời Yoshimasa Hayashi, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, gọi hành vi sai trái này là điều đáng tiếc. Theo Japan Times, ngày 3-6, Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor Corp, gửi lời xin lỗi đến toàn bộ khách hàng và những bên liên quan vì loạt gian lận liên quan quá trình cấp giấy chứng nhận đối với mẫu xe bán tại thị trường trong và ngoài nước. Hành vi sai trái này làm lung lay nền tảng của hệ thống chứng nhận của quốc gia có tính kỷ luật cao này.
Theo Reuters, những tiết lộ về sai phạm mới nhất có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng ô-tô rộng lớn của Nhật Bản. Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết, điều đó có thể dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với nền kinh tế. Theo đó, không thể bỏ qua tác động này bởi nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong quý 2-2024 nếu hoạt động sản xuất gián đoạn và người tiêu dùng trở nên ngần ngại hơn khi mua ô-tô.
Trong khi có lo ngại rằng Toyota sẽ chịu nhiều áp lực hơn trước cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, vẫn có ý kiến cho rằng tác động đến doanh số bán hàng có thể sẽ bị hạn chế do hãng này chỉ đình chỉ bán ba mẫu xe và rất nhiều đối thủ trong nước cũng không đạt tiêu chuẩn. Reuters dẫn lời ông James Hong, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chuyển đổi năng lượng và hàng hóa châu Á tại Tập đoàn tài chính Macquarie (Úc), cho rằng: “Khi nói đến doanh số bán hàng thực tế tại thị trường Nhật Bản, thiệt hại sẽ có thể kiểm soát được hoặc khá nhỏ bởi vì về cơ bản người tiêu dùng không có lựa chọn thay thế nào ở nước này”. Dù những tiết lộ về sai phạm nói trên có thể sẽ gây ra sự giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các nhà sản xuất ô-tô, nhưng chúng cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận của các bên liên quan về hệ thống kiểm tra chứng nhận. Theo Toyota, một số quy định chứng nhận hiện nay có thể quá hà khắc, trong khi các cuộc kiểm tra như vậy được tiến hành ở mức độ khác nhau trên thế giới.
THƯ LÊ