Quốc tế

Đối thoại Shangri-La

Vì an ninh, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương

07:43, 03/06/2024 (GMT+7)

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6 tại Singapore với nhiều nội dung trao đổi hiệu quả, thiết thực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6. Ảnh: AFP

Sự kiện năm nay thu hút hàng trăm đại biểu đến từ 40 quốc gia cùng thảo luận những thách thức an ninh nghiêm trọng trong khu vực và thế giới. Như thường lệ, các bài phát biểu của quan chức Mỹ và Trung Quốc thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận. Mong muốn duy trì hòa bình, ổn định khu vực được xem là điểm chung mà hai cường quốc này hướng đến song rõ ràng hai bên có sáng kiến, phương thức hiện thực hóa khác nhau.

Mỹ, Trung Quốc nói gì?

Theo Strait Times, ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân có bài phát biểu làm rõ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu. Ông khẳng định chính sách “Một Trung Quốc,” cam kết thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), theo đuổi an ninh chung trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy hòa bình và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua đối thoại và tham vấn; không cho phép bất kỳ quốc gia nào kích động chiến tranh dù nóng hay lạnh ở khu vực này. Bài phát biểu cũng kêu gọi các nước chung tay xây dựng trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn; phát huy đầy đủ cấu trúc an ninh khu vực, trong đó khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ASEAN.

Trước đó, ngày 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định vai trò dẫn đầu của Mỹ trong giải quyết vấn đề quốc phòng quan trọng; đồng thời cam kết sâu sắc đối với khu vực. The Straits Times dẫn lời ông Austin khẳng định: “Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn. Đó là lý do vì sao Mỹ từ lâu duy trì sự hiện diện ở khu vực này. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi”. Điểm đáng chú ý là “chiến lược hội tụ mới” của Mỹ tập hợp các nước xung quanh những nguyên tắc và giá trị chung để đối phó mối đe dọa và thách thức. Mô hình “trung tâm và nan hoa” cho an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được thay thế bằng “sự hội tụ mới” của tập hợp các sáng kiến và thể chế bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi tầm nhìn chung và nghĩa vụ chung.

Theo giới quan sát, thông điệp này là lời trấn an các đồng minh trong khu vực về cam kết an ninh của Mỹ và không có điểm đột phá nào. Global Times dẫn lời cựu quan chức của Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho biết, tuyên bố năm nay của ông Austin là sự bổ sung cho bài phát biểu năm 2023, tạo thành sự hoàn chỉnh về quan điểm an ninh của Mỹ với mục tiêu đạt được vai trò lãnh đạo trong khu vực. Tuy nhiên, việc thành lập các khối an ninh do Mỹ dẫn dắt đi ngược lại với việc theo đuổi sự ổn định trong khu vực.

Tân Hoa Xã nhận định, bằng cách ủng hộ tôn trọng lẫn nhau, an ninh bền vững và chủ nghĩa đa phương, “Sáng kiến an ninh toàn cầu” của Trung Quốc có thể góp phần giảm đối đầu giữa các khối và thúc đẩy môi trường quốc tế hài hòa hơn, vốn là nhu cầu cấp thiết của khu vực. Trong khi đó, phương Tây, mà đại diện là Mỹ thường đề cao quá mức vấn đề an ninh bản thân mà bỏ qua khía cạnh an ninh chung.

Tìm kiếm thêm đối thoại, tham vấn

Sự kiện năm nay tiếp tục mang đến cơ hội cho các cường quốc đối thoại với nhau. Bên cạnh phiên thảo luận chính thức có các  đàm phán diễn ra bên lề, trong hành lang và đằng sau cánh cửa đóng kín. Nổi bật nhất là cuộc gặp giữa ông Đổng Quân và ông Austin, đánh dấu cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 11-2022, tạo bước tiến xa hơn trong việc nối lại đối thoại và tham vấn quân sự trong bối cảnh căng thẳng. Theo The Straits Times, dẫu chỉ là cử chỉ mang tính biểu tượng song lại có thể tạo bầu không khí thích hợp cho cuộc đàm phán tiếp theo, giúp ổn định và cải thiện quan hệ quân sự giữa hai nước. Cuộc tranh luận thẳng thắn nhưng với thái độ tôn trọng lẫn nhau giữa Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc cũng là minh chứng rõ nhất cho kiểu đối thoại trực tiếp và gắn kết bởi dù có thể không hoàn hảo nhưng nó vẫn góp tiếng nói xoa dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, sự kiện năm nay vẫn chưa thể tạo đột phá về các vấn đề “nóng” toàn cầu do sự vắng bóng đại diện đến từ Ấn Độ, Israel và Nga. Theo CNA, Nga vắng mặt liên tục kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Trong khi đó, dù Israel không phải là nước thường xuyên tham gia Đối thoại Shangri-La nhưng dư luận từng kỳ vọng sự hiện diện của nước này sẽ tạo cơ hội thảo luận cách giải quyết xung đột ở dải Gaza. Với việc nổi lên như một đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự vắng mặt của Ấn Độ khiến sự kiện năm nay thiếu một tiếng nói quan trọng.

Theo AP, ngày 2-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La để kêu gọi các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình dự kiến được tổ chức tại Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16-6. Ông Zelensky khẳng định, Ukraine sẵn sàng lắng nghe nhiều đề xuất và suy nghĩ khác nhau về việc chấm dứt xung đột.

THƯ LÊ

.