Quốc tế
Động lực đưa Nhật Bản xích gần các quốc đảo Thái Bình Dương
Hội nghị các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10 tại Nhật Bản được đánh giá là cơ hội tốt để Nhật Bản có thể gia tăng tiếng nói và vị thế với các quốc đảo trong khu vực dựa trên hợp tác cùng thắng.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại hội nghị PALM ở Tokyo ngày 18-7. Ảnh: Kyodo News |
Theo Japan Times, hội nghị diễn ra tại Tokyo từ ngày 16 đến 18-7, quy tụ sự tham gia của 18 thành viên Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF). Điểm nhấn trong chương trình nghị sự là các cuộc thảo luận biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu - vấn đề mà không một nước nào có thể đơn độc mà làm được, ngay cả Nhật Bản với nền khoa học hiện đại.
Vậy đâu là động lực để Nhật Bản duy trì “sân chơi” PALM này? Rõ ràng, PALM là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Đây là diễn đàn quan trọng để đất nước Đông Bắc Á này và các quốc đảo Thái Bình Dương thảo luận biện pháp giải quyết thách thức chung, cũng như củng cố hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực. Các chuyên gia lưu ý rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương cũng tạo thành một khối bỏ phiếu quan trọng tại Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, giống như Úc và Mỹ, Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện và uy tín ở Thái Bình Dương trong những năm gần đây để tăng cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Do đó, PALM là lá bài chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu này, qua đó duy trì lợi ích quốc gia về nhiều mặt, đặc biệt về an ninh và kinh tế, trong bối cảnh các nước lớn khác cũng đang để mắt đến khu vực này.
Xét về lợi ích kinh tế, Nhật Bản nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng và dựa vào các chuyến hàng nhiên liệu và khoáng sản đi qua các tuyến đường biển ở Thái Bình Dương. Nghề cá của khu vực cũng có tầm quan trọng cao. Theo nghiên cứu của Celine Pajon, chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản, gần 45% lượng cá ngừ tiêu thụ hoặc chế biến ở Nhật Bản được nhập khẩu từ các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc đảo này. Đó là lý do Tokyo từ lâu luôn ủng hộ các nỗ lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Năm 2019, Taro Kono trở thành Ngoại trưởng đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản sau ba thập niên đến thăm khu vực. Trong những năm tiếp theo, các nhà ngoại giao hàng đầu của nước này có những chuyến thăm thường xuyên, đồng thời mở các phái bộ ngoại giao ở Kiribati và New Caledonia. Quan hệ quốc phòng và an ninh được tăng cường, trong đó có các chuyến ghé thăm cảng. Năm ngoái, Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra cho hải quân Fiji theo chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức khi khẳng định bên nhận là “nhân tố chủ chốt trong an ninh khu vực”.
Một yếu tố không thể không nhắc tới chính là nhu cầu hợp tác sâu rộng hơn, trong đó, ứng phó biến đổi khí hậu cần sự chung tay, đồng lòng của một cộng đồng rộng lớn hơn bởi bản thân Nhật Bản dù có nền khoa học hiện đại đến mấy cũng không thể đơn độc giải quyết vấn đề này. Japan Times dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh, khi cùng nhau thích nghi với những hoàn cảnh đang thay đổi, Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến bước cùng các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương.
Thực tế, các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Nhật Bản hiểu các nước này thực sự cần gì để trao “chiếc cần câu” kịp thời khi nắm trong tay kinh nghiệm, năng lực và công nghệ hiện đại. Theo đó, Nhật Bản có kế hoạch cung cấp dữ liệu thời tiết và hỗ trợ, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng thông tin để hỗ trợ việc sơ tán trong trường hợp có lốc xoáy; đồng thời dự kiến hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, gồm lắp đặt cáp ngầm. Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown tán dương cách tiếp cận của Nhật Bản trong việc hợp tác với các thành viên PIF một cách bình đẳng để đạt “Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương 2050”, hướng đến khu vực hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển vẫn là chủ đề khiến các quốc đảo Thái Bình Dương tỏ ra ái ngại bởi lịch sử cho thấy các vấn đề liên quan đến hạt nhân được xem là điều rất nhạy cảm ở khu vực này. Bên cạnh đó, có thực tế không thể chối cãi nữa là các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trở thành tâm điểm lo ngại về an ninh của Nhật Bản, đồng minh Mỹ và các đối tác khu vực của họ như Úc và New Zealand trong những năm gần đây khi Trung Quốc tăng cường hiện diện trong khu vực nơi nhiều quốc đảo phụ thuộc vào nước này về mặt kinh tế.
PALM đã thay đổi như thế nào? Theo Nikkei Asia, trong bài phân tích mối quan hệ của Nhật Bản với các nước ở Thái Bình Dương, chuyên gia Pajon nhận định, bản chất của PALM đã thay đổi, mang tầm chiến lược lớn hơn kể từ năm 2018. Theo đó, có một thay đổi đáng kể là quyết định của Nhật Bản bỏ các mục tiêu viện trợ cụ thể, những thông báo về các mục tiêu này từng là thông tin chính của PALM. Thay vào đó, nước này thúc đẩy khái niệm “cơ sở hạ tầng chất lượng”, nhằm tạo sự khác biệt với Trung Quốc. Nhìn rộng hơn, Nhật Bản đã chuyển từ cách tiếp cận “phân mảnh” và “ưu tiên thấp” sang can dự đa chiều và chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, sự thành công của chiến lược này vẫn còn phải chờ xem ra sao trong thời gian tới. Hơn nữa, PALM là một diễn đàn để giải quyết căng thẳng, chẳng hạn như những lo ngại về vấn đề hạt nhân. |
THƯ LÊ