Quốc tế
Giới trung lưu nhiều nơi chi tiêu dè sẻn
Cứ mỗi khi anh Kang Won Jin, một nhân viên 25 tuổi tại Seoul (Hàn Quốc), tiêu một đồng mà lẽ ra có thể tiết kiệm, anh đều bị các thành viên trong nhóm bạn tiết kiệm online phê bình.
Khi nói đến việc tiết kiệm, người tiêu dùng nói chung đều thích được giảm giá trực tiếp trên các mặt hàng và phần thưởng từ chương trình khách hàng thân thiết. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở Washington, D.C (Mỹ). Ảnh: AFP |
Chẳng hạn, khi anh chia sẻ việc mua chiếc dù có giá 10.000 won (7 USD) tại cửa hàng tiện lợi vì trời mưa bất ngờ, lập tức anh bị nhắc nhở ngay, thậm chí có người còn nói đùa: “Lẽ ra bạn nên dùng tờ rơi hoặc báo để che đầu”. Dù vậy, Kang vẫn sẵn sàng chia sẻ thông tin về các khoản chi phí hằng ngày và chấp nhận sự soi xét từ nhóm, bởi đây là cách anh giữ cho mình luôn tiết kiệm.
“Phòng của người ăn xin”
Theo Korea Herald, Kang chỉ là một thành viên trong cộng đồng trực tuyến của hàng ngàn người Hàn Quốc đang thực hành lối sống tiết kiệm qua các nhóm chat “geojibang”, nghĩa đen là “phòng của những người ăn xin”, chỉ các nhóm, diễn đàn chia sẻ các mẹo và phương pháp tiết kiệm chi phí trong cuộc sống hằng ngày. Nó phản ánh lối sống tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi tiêu không cần thiết, giúp người tham gia có thể sống tiết kiệm và hiệu quả hơn về tài chính.
Tại đây, các thành viên ẩn danh kiểm tra chi tiêu hằng ngày của nhau và chia sẻ thông tin về các khuyến mãi, chẳng hạn chương trình giảm giá tại các cửa hàng tiện lợi hay các gói điện thoại giá rẻ. Tìm kiếm từ khóa “geojibang” trên phần chat nhóm mở của ứng dụng Kakao Talk cho thấy hơn 500 phòng như vậy, với các yêu cầu thành viên đa dạng, tùy thuộc vào giới tính hoặc độ tuổi.
Ảnh hưởng của lối sống tiết kiệm mới có thể thấy rõ qua các số liệu. Theo Công ty NHN Data (Hàn Quốc), các ứng dụng của những thương hiệu cà phê giá rẻ, chuỗi cửa hàng tiện lợi và nền tảng mua sắm nhóm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng tải xuống trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn, trong số 8 ứng dụng mua sắm phổ biến nhất ở Hàn Quốc, 5 ứng dụng là về các ưu đãi giảm giá lớn, gồm Always, Tteorimall và Miss Discount, với mức tăng trưởng tải xuống lần lượt là 115%, 65% và 24% so với tháng 10-2023.
Doanh số bán bữa trưa đóng hộp tại 4 cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc trong quý 1-2024 tăng vọt 40% so với năm trước. Lạm phát không kiểm soát, nền kinh tế trì trệ và sự suy giảm mức độ bền vững trên thị trường việc làm là những nguyên nhân chính thúc đẩy giới trẻ hướng tới lối sống tiết kiệm, bên cạnh một số yếu tố khác.
Các nền tảng mạng xã hội đang khuếch đại quyết tâm cá nhân thành xu hướng xã hội rộng lớn hơn, theo các chuyên gia. Giáo sư tâm lý học Kwak Geum Joo thuộc Đại học quốc gia Seoul giải thích: “Sự hiện diện của người khác củng cố ý chí và hiệu suất của một người trong một nhiệm vụ, được gọi là hiệu ứng kích thích xã hội. Duy trì thói quen tiết kiệm là nhiệm vụ khó khăn. Geojibang kết hợp các yếu tố ẩn danh, cập nhật thời gian thực và giao tiếp, biến việc tiết kiệm thành điều thú vị và vui vẻ”.
Xu thế phổ biến
Thực tế, những thách thức tài chính đặt ra với giới trung lưu ở Hàn Quốc cũng là những vấn đề mà tầng lớp trung lưu tại nhiều quốc gia phát triển đang đối mặt. Một cách tự nhiên, họ cũng trở nên thích ứng với xu thế “thắt lưng buộc bụng”.
Axios dẫn dữ liệu từ Bank of America Institute cho biết, chi tiêu của các hộ gia đình trung lưu ở Mỹ chững lại, dù vẫn tăng trưởng so với năm trước. Tăng trưởng lương, vốn mạnh mẽ trong các năm trước, nay đã giảm. Chẳng hạn, mức tăng lương của những người thu nhập thấp giảm từ 7,5% vào năm 2022 xuống còn 5,5% vào tháng 2-2023. Trong khi đó, các khoản nợ tín dụng và vay mua ô-tô tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, theo Nikkei Asia, tầng lớp trung lưu Trung Quốc, đặc biệt người trẻ, ngày càng có lối sống thanh đạm trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Các yếu tố góp phần vào xu hướng này bao gồm sự thiếu niềm tin vào nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và cảm giác vỡ mộng chung về triển vọng tương lai. Người trẻ Trung Quốc hiện có xu hướng chuyển sang mua sắm giảm giá và lựa chọn ăn uống chung để tiết kiệm hơn.
Ngày càng nhiều người tích cực tìm kiếm các chương trình giảm giá và so sánh giá trên nhiều nền tảng trước khi mua hàng. Sự nổi lên của xu hướng được gọi vui là “nền kinh tế keo kiệt” này ở Trung Quốc có thể thấy qua các hành vi như ăn ở căng-tin chung và mua thực phẩm thừa giá rẻ. Những xu hướng này cho thấy người dân đang tìm cách tiết kiệm chi phí và lựa chọn bền vững hơn, phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn. Sau Covid-19, chi tiêu của hộ gia đình vẫn còn yếu do sự phục hồi không đều và những vấn đề còn tiếp diễn về bất động sản.
Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về tầng lớp trung lưu, song theo trang web của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), nhiều người định nghĩa nhóm này là những người kiếm được từ 10 đến 100 USD mỗi ngày. Theo dữ liệu của Viện Brookings, tầng lớp trung lưu hiện là nhóm chi tiêu lớn nhất toàn cầu, đóng góp đáng kể vào việc tăng cường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Theo dự báo, tới năm 2030, các hộ gia đình trung lưu sẽ chi tiêu khoảng 62.000 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2020. Đặc biệt, nhóm trung lưu thấp (thu nhập từ 11 đến 50 USD mỗi ngày) sẽ trở thành nhóm chi tiêu lớn nhất với khoảng 3,8 tỷ người. Khảo sát gần đây về tác động cụ thể của việc chi tiêu thận trọng hơn của tầng lớp trung lưu hiện vẫn còn thiếu. Do đó, việc đánh giá chính xác tác động hiện tại của thói quen chi tiêu này đối với nền kinh tế cần có thêm các thông tin đầy đủ và cập nhật hơn. |
TRẦN ĐẮC LUÂN