Quốc tế

Cơ hội hòa bình từ thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah

07:31, 28/11/2024 (GMT+7)

Sau 14 tháng xung đột căng thẳng, Israel và Hezbollah đã đạt thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Pháp làm trung gian. Thỏa thuận mở ra hy vọng cho một giai đoạn hòa bình tại Trung Đông.

Người dân vẫy cờ của phong trào Lebanon và phong trào Amal ở thành phố Tyre (Lebanon) ngày 27-11 sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. Ảnh: Reuters/Aziz Taher
Người dân vẫy cờ của phong trào Lebanon và phong trào Amal ở thành phố Tyre (Lebanon) ngày 27-11 sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. Ảnh: Reuters/Aziz Taher

Nỗ lực ngoại giao của Mỹ, Pháp

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực vào lúc 2 giờ sáng GMT ngày 27-11. Theo Sky News, thỏa thuận này không chỉ dừng lại ở việc ngừng bắn mà còn bao gồm kế hoạch Israel từng bước rút quân về nước trong vòng 60 ngày; Hezbollah chấm dứt hiện diện vũ trang ở phía nam sông Litani, cách biên giới với Israel khoảng 29km; quân đội Lebanon sẽ triển khai để bảo đảm Hezbollah không thể tái thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự tại khu vực biên giới. Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib cho biết sẽ điều ít nhất 5.000 binh sĩ tới khu vực biên giới phía nam giáp với Israel để bảo đảm an ninh, theo Politico.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, thỏa thuận thiết lập sự ngừng bắn vĩnh viễn, cho phép dân cư hai bên có thể trở về nhà an toàn sau nhiều tháng phải di tản. Ông Biden coi đây là một phần trong chương trình ổn định Trung Đông, nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh khu vực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả thỏa thuận là sự kết tinh của những nỗ lực nhiều tháng qua; đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Giới quan sát đánh giá, vai trò ngoại giao của Mỹ và Pháp trong thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah là rất đáng kể. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông Amos Hochstein đã dẫn đầu các cuộc đàm phán, gặp gỡ trực tiếp các quan chức Israel và Lebanon để thúc đẩy giải pháp hòa bình.

Mỹ và Pháp sẽ cùng tham gia cơ chế giám sát ba bên, làm việc với lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL của Liên Hợp Quốc (LHQ) để bảo đảm thực thi thỏa thuận. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, mà còn là mở đường cho các thỏa thuận lớn hơn trong khu vực, bao gồm giải quyết xung đột Gaza và bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia.

Triển vọng và thách thức

Theo AFP, các nhà lãnh đạo thế giới đã có những phản ứng tích cực về lệnh ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và Hezbollah. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati coi đây là bước cơ bản để khôi phục ổn định, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ và Pháp trong việc đạt được thỏa thuận này. Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định lệnh ngừng bắn là giải pháp đáng ra phải có từ lâu nhằm mang lại sự bình yên cho dân thường ở cả hai quốc gia. Ông kêu gọi biến lệnh ngừng bắn thành giải pháp chính trị lâu dài ở Lebanon, đồng thời cam kết Anh sẽ đi đầu trong nỗ lực phá vỡ chu kỳ bạo lực hiện nay để hướng tới hòa bình bền vững tại Trung Đông.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Lebanon Jeanine Hennis-Plasschaert nhấn mạnh: “Chỉ có cam kết toàn diện và không lay chuyển từ cả hai phía mới đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực hiện thành công”. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi thỏa thuận này là thành công của ngoại giao. Người dân ở cả hai bên biên giới đều muốn sống trong an ninh thực sự và lâu dài.

Các chuyên gia từ tổ chức Atlantic Council đánh giá thỏa thuận là thắng lợi cho người dân Lebanon và Israel. Mặc dù thỏa thuận này mang lại hy vọng cho Lebanon, nhưng tình hình ở Gaza vẫn đang rất căng thẳng. Hamas vẫn đang giữ hàng chục con tin và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Israel. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Gaza, nơi hàng triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, dù thỏa thuận mở ra hy vọng, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về tính bền vững.

Một thách thức khác nằm ở sự khác biệt quan điểm giữa các bên. Theo Euronews, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẵn sàng “tấn công quyết liệt” nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận, trong khi Hezbollah vẫn giữ thái độ thận trọng. Politico còn dẫn lời một quan chức Hezbollah, ông Mahmoud Qamati, thậm chí đã tỏ ra “nghi ngờ cam kết của Netanyahu” và cảnh báo sẽ phân tích kỹ từng điểm trong thỏa thuận.

Có thể nói thỏa thuận này là bước ngoặt quan trọng, nhưng không phải là giải pháp cuối cùng cho hòa bình Trung Đông. Sự kiên nhẫn, tinh thần đối thoại và cam kết thực thi nghiêm túc sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công của thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới nối dài đà giảm sau lệnh ngừng bắn
Trong phiên giao dịch 26-11, giá dầu thế giới tiếp tục nối dài đà giảm của phiên trước, sau khi Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah. Ngoài ra, việc Mỹ ít khả năng gia tăng trừng phạt lên Iran cũng ít tạo sức ép lên giá dầu. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 20 xu (0,27%) xuống 72,81 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 17 xu (0,25%) xuống 68,77 USD/thùng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.