Quốc tế

Trung Quốc tiên phong về nghiên cứu khoa học

07:45, 29/11/2024 (GMT+7)

Trung Quốc giữ vai trò tiên phong về nghiên cứu khoa học khi một nửa trong số 20 thành phố khoa học hàng đầu thế giới hiện ở Trung Quốc. Đáng chú ý, Bắc Kinh và Thượng Hải chiếm những vị trí dẫn  đầu. 

Các thành phố của Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ chuyên biệt như năng lượng mặt trời. Ảnh: Getty Images
Các thành phố của Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ chuyên biệt như năng lượng mặt trời. Ảnh: Getty Images

South China Morning Post (SCMP) dẫn bảng xếp hạng các thành phố khoa học toàn cầu của Nature Index (bảng thống kê của tạp chí khoa học danh tiếng Nature) công bố gần đây cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng lần thứ 8 liên tiếp kể từ năm 2016. Đáng chú ý, Thượng Hải lần đầu tiên vượt qua New York (Mỹ) để đứng thứ hai trong bảng xếp hạng do thế mạnh về nghiên cứu dược phẩm sinh học, vật liệu tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI). Vị thế hàng đầu bền vững qua nhiều năm của Bắc Kinh, cùng với sự trỗi dậy mới nhất của Thượng Hải, phản ánh rõ nét xu hướng tiên phong ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong nghiên cứu khoa học toàn cầu; đồng thời đánh dấu sự chuyển dịch của quốc gia này sang tăng trưởng dựa trên đổi mới vốn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chiến lược quốc gia.

SCMP dẫn lời quan chức Nature Index nhận định, sản lượng nghiên cứu của Trung Quốc trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy khả năng dẫn đầu trong tất cả lĩnh vực khoa học mà Nature Index theo dõi trong một thập niên qua. Trung Quốc hiện được xem là một trong những hình mẫu phát triển công nghệ vượt bậc trên thế giới khi tất cả mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều có “dấu chân” của công nghệ và chuyển đổi số.

Theo ghi nhận của Xinhua, nhiều thành phố của Trung Quốc phát triển nhanh chóng đang đóng vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như xe điện và năng lượng mặt trời. Ngay cả trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, lĩnh vực mà phương Tây đang chiếm ưu thế, cũng ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt ở các thành phố đang trỗi dậy ở Trung Quốc. Thành phố Nam Kinh đã vượt Boston (Anh) và New York trong lĩnh vực khoa học vật lý. Với sự tập trung liên tục vào tính bền vững và bảo vệ sinh thái, Trung Quốc cũng đang củng cố vị thế là quốc gia dẫn đầu trong khoa học Trái đất và môi trường với Bắc Kinh, Nam Kinh và Quảng Châu là ba thành phố dẫn đầu trong lĩnh vực này. Giới quan sát nhận định, chìa khóa nằm ở chỗ các địa phương Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu phát triển phù hợp các chiến lược quốc gia nhằm củng cố khả năng tự cung tự cấp về kinh tế của đất nước.

Theo SCMP, ra mắt vào năm 2017, bảng xếp hạng Nature Index đánh giá các thành phố dựa trên đóng góp các công trình nghiên cứu cho các tạp chí chất lượng cao về nhiều mảng khác nhau của khoa học tự nhiên, gồm hóa học, khoa học môi trường và Trái đất, khoa học sự sống và khoa học vật lý, qua đó cung cấp bức tranh tổng quan về những thành phố sản sinh các nghiên cứu khoa học có tác động lớn nhất đối với toàn cầu. Chỉ số này làm nổi bật cả khối lượng và chất lượng đầu ra nghiên cứu, biến nó thành chuẩn mực để đánh giá sức mạnh khoa học và đổi mới của các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Trung tâm Phát triển công nghiệp và quản lý môi trường (CIDEG) tại Đại học Thanh Hoa và Springer Nature gần đây cũng công bố Chỉ số Trung tâm đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GIHI) 2024, trong đó Bắc Kinh xếp thứ ba, Vùng vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Trung Quốc) đứng thứ 6 và Thượng Hải vượt Paris và Tokyo để giữ vị trí thứ 7. Xinhua dẫn lời ông Arnout Jacobs, Chủ tịch của Springer Nature Greater China nhận định, hai chỉ số Nature Index và GIHI bổ sung cho nhau trong việc xác định điều gì tạo nên một thành phố khoa học hoặc một trung tâm đổi mới, và cả hai đều chỉ ra sự nổi lên rõ ràng của các thành phố Trung Quốc trong nghiên cứu và đổi mới toàn cầu.

Dẫn đầu về nghiên cứu 90% công nghệ quan trọng
Nikkei Asia dẫn báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), Trung Quốc hiện là quốc gia tiên phong trên thế giới trong nghiên cứu phần lớn các công nghệ quan trọng. Kết quả cho thấy nước này dẫn đầu trong 57/64 danh mục về công nghệ được công bố từ năm 2019-2023, tương đương gần 90%. Trong đó có 24 danh mục được xếp loại là có nguy cơ cao trở thành công nghệ độc quyền của quốc gia, bao gồm công nghệ radar, định vị vệ tinh… điều này cho thấy sự đảo chiều hoàn toàn so với giai đoạn 2003-2007, khi Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong 60/64 danh mục, còn Trung Quốc chỉ dẫn đầu trong 3 danh mục. Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến quan trọng về công nghệ lưỡng dụng, ứng dụng được cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

THƯ LÊ

.