Quốc tế

Cộng đồng quốc tế kêu gọi ổn định tình hình ở Syria

07:54, 10/12/2024 (GMT+7)

Cộng đồng quốc tế kêu gọi ổn định và chấm dứt giao tranh ở Syria, sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Khói bốc lên từ một tòa nhà ở thủ đô Damascus (Syria) ngày 8-12. Ảnh: VCG
Khói bốc lên từ một tòa nhà ở thủ đô Damascus (Syria) ngày 8-12. Ảnh: VCG

Khuyến nghị chuyển giao quyền lực trật tự

Tối 8-12, TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Bashar al-Assad cùng gia đình đang được cấp tị nạn ở Moscow (Nga) trên cơ sở lý do mang tính nhân đạo. Trước đó, theo kết quả thương lượng giữa Tổng thống Syria và một số bên liên quan xung đột ở nước này, ông Assad quyết định từ chức và chỉ thị cho Chính phủ Syria chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Moscow không tham gia cuộc đàm phán này. “Nga luôn ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian phải được nối lại”, nguồn tin cho biết. 

Sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad đặt dấu chấm hết cho hơn nửa thế kỷ nắm quyền của gia đình Assad tại Syria, sau khi lực lượng đối lập xoay chuyển tình thế chỉ trong một tuần. Kể từ ngày 27-11, các thành viên đơn vị vũ trang đối lập phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Sáng 8-12, các lực lượng nổi dậy tiến vào Damascus, sau đó các đơn vị quân đội nhà nước rời thành phố.

Trước tình hình rối ren ở Syria, cộng đồng quốc tế kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích tối cao của quốc gia. Theo Reuters, ngày 8-12, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thúc giục cần nhiều nỗ lực tại Syria để bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực trật tự. Chính người dân Syria mới là người quyết định tương lai đất nước. Các nhóm vũ trang phải kiềm chế bạo lực và tôn trọng quyền của tất cả người dân không phân biệt đối xử trong giai đoạn chuyển tiếp.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong một tuyên bố ngày 8-12, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích tối cao của quốc gia bằng cách thống nhất các mục tiêu và ưu tiên mở đường cho một tiến trình chính trị toàn diện và bao trùm, nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và hòa bình đất nước cũng như khôi phục vai trò khu vực và quốc tế của Syria. Theo Tân Hoa xã, ngày 8-12, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia và Qatar ra tuyên bố chung kêu gọi giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Syria và hy vọng rằng sự ổn định sẽ sớm trở lại.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Những biến động mới nhất ở Syria đặt quốc gia Trung Đông trước nguy cơ rơi vào tình thế rối ren nhất sau 14 năm xung đột vốn đã cướp đi sinh mạng của từ 470.000 đến 600.000 người, khiến nó trở thành cuộc xung đột chết chóc thứ hai trong thế kỷ 21, sau Chiến tranh Congo lần thứ hai. Hơn 13 triệu người Syria phải bỏ nhà ra đi, với 6,2 triệu người chạy trốn ra nước ngoài, theo Politico.

Một số người lo ngại sẽ có khoảng trống quyền lực xuất hiện, khiến các phe phái chính trị và các nhóm tôn giáo khác nhau của đất nước xung đột. Câu hỏi đặt ra là liệu Hayat Tahrir al-Sham (HTS), phe nổi dậy đóng vai trò chính trong chiến dịch chiếm thủ đô Damascus, có thực sự từ bỏ gốc rễ cực đoan của mình để bảo đảm quá trình chuyển tiếp diễn ra ổn thỏa hay không dù tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn.

Trong khi đó, theo The New York Times, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, quân đội Israel đã tiến quân vào Syria bên ngoài Cao nguyên Golan, viện dẫn lo sợ phe đối lập vũ trang ở Syria có thể nắm quyền kiểm soát các cơ sở quân sự gần cao nguyên này và sử dụng chúng để chống lại Israel. Động thái này vấp phải sự phản ứng của Ban Thư ký Liên đoàn Arab (AL) vì cáo buộc Israel lợi dụng tình hình nội bộ ở Syria để thay đổi bất hợp pháp hiện trạng ở Golan.

Sự thay đổi chóng vánh ở Syria gây chấn động thế giới và có thể khiến “chảo lửa” Trung Đông tăng nhiệt. Global Times dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Li Xinggang tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang (Trung Quốc) nhận định, Syria rất có khả năng rơi vào tình trạng hỗn loạn lâu dài trong tương lai. “Bởi vì các lực lượng vũ trang khu vực khác nhau có các mục tiêu và yêu cầu khác nhau trong vấn đề Syria vô cùng phức tạp. Chính phủ Assad không thể chịu đựng được sự thay đổi hiện tại và không có thế lực nào có thể xây dựng trật tự mới hoặc tạo ra sự cân bằng quyền lực mới ngay lập tức”, ông Li Xinggang nói.

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho rằng, vấn đề đáng lo ngại khác là có thể có những kẻ khủng bố và cực đoan tại những địa bàn bất ổn trong nước giờ đây có thể tiếp cận vũ khí và tài nguyên do lực lượng chính phủ Syria để lại để tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn trong và ngoài khu vực. Do đó, rất cần những nỗ lực và sự đồng thuận không chỉ trong nước mà còn trong cộng đồng quốc tế để khôi phục hòa bình và trật tự ở Syria.

THƯ LÊ

.