Quốc tế

Ông Biden phản đối kế hoạch kinh tế của ông Trump

08:39, 12/12/2024 (GMT+7)

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden chỉ trích việc ông Donald Trump áp thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu không chỉ là “sai lầm lớn” mà còn gây tổn hại trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ.

Năm tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng thống Biden đưa ra phản ứng mạnh mẽ nhất đối với các chính sách kinh tế mà ông Trump đề xuất, trong đó đáng chú ý là kế hoạch áp mức thuế quan cao với một số quốc gia. Theo Politico, phát biểu ngày 10-12 tại Brookings Institution, tổ chức nghiên cứu chính sách uy tín tại Mỹ, ông Biden phê phán kịch liệt kế hoạch thuế quan và cắt giảm thuế khi cho rằng việc áp thuế cao và bất chấp với hàng nhập khẩu sẽ gây hại cho người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải các nước xuất khẩu.

Trong bối cảnh đảng Dân chủ phải đối mặt với thách thức về việc tái thiết uy tín, cũng như tranh luận nội bộ về hiệu quả chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ của ông Biden, tuyên bố này cho thấy sự phản công mạnh mẽ trước viễn cảnh chính quyền Trump 2.0 sẵn sàng quay lại “kinh tế nhỏ giọt” và áp dụng gói cắt giảm thuế có lợi cho người giàu. Lý thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt (trickle-down theory) cho rằng, khi chính phủ giảm thuế và tạo lợi ích cho các doanh nghiệp và người giàu, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác. Theo ông Biden, sẽ là sai lầm lớn khi nghĩ rằng các nước khác sẽ phải gánh chi phí thuế quan, trong khi thực tế người tiêu dùng Mỹ mới là bên chịu thiệt.

“Ông Trump dường như quyết tâm áp đặt mức thuế toàn diện và cao lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào đất nước này, dựa trên niềm tin sai lầm rằng các nước ngoài sẽ gánh chi phí đó thay vì người tiêu dùng Mỹ”, The New York Times (NYT) dẫn lời ông Biden. Tờ báo cũng đưa ra nhận định tương tự, nhấn mạnh rằng ông Biden cảnh báo kế hoạch thuế quan và cắt giảm thuế của ông Trump sẽ gây tổn hại cho tầng lớp lao động.

Giới kinh tế học cho rằng việc áp thuế quan cao sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng vọt. Các công ty, để bù đắp chi phí, buộc phải cộng thêm khoản này vào giá bán lẻ. Kết quả là nhiều mặt hàng sẽ leo thang, tác động tiêu cực đến đời sống thường nhật của người dân, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát vẫn nhức nhối. Đây không phải suy đoán mơ hồ, mà đã được chính ông Trump thừa nhận. Trong phỏng vấn chương trình “Meet the Press”, chính ông Trump thừa nhận ông không thể bảo đảm người dân Mỹ sẽ không phải gánh thêm chi phí vì các mức thuế quan.

Tổng thống Biden cũng so sánh các chính sách kinh tế dưới thời mình với viễn cảnh tương lai của chính quyền Trump 2.0. Ông nhấn mạnh, nhiệm kỳ của ông chứng kiến sự gia tăng đầu tư hạ tầng, phát triển ngành sản xuất, phục hồi việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, bất chấp gánh nặng từ Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. So với các nền kinh tế phát triển khác, Mỹ đã phục hồi tốt hơn.

Theo ABC News, cảnh báo từ ông Biden, không chỉ dừng lại ở góc độ phân tích lý thuyết, mà còn nhắm đến viễn cảnh thực tế rằng ông Trump có thể làm suy yếu hoặc thậm chí hủy bỏ thành tựu mà chính quyền Biden dày công xây dựng, như khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, sản xuất chất bán dẫn...

Việc ông Biden công khai chỉ trích như vậy phản ánh bầu không khí chính trị căng thẳng sau bầu cử. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump thất bại trong việc thực hiện cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng toàn diện và thúc đẩy sản xuất nội địa qua khẩu hiệu “Mua hàng Mỹ” (Buy American). Theo Politico, những hạn chế này tạo cơ hội để ông Biden nhấn mạnh sự đối lập với viễn cảnh thuế quan toàn diện mà ông Trump đề xuất.

Ở chiều ngược lại, NYT dẫn quan điểm của đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump lại khẳng định chính sách thuế quan sẽ “bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ, người lao động Mỹ trước những hành vi không công bằng của các công ty và thị trường nước ngoài”. Tuy nhiên, các nhà phân tích độc lập và hầu hết nhà kinh tế học ở Mỹ đều nghiêng về nhận định rằng chi phí thực tế của thuế quan, cuối cùng, dồn lên vai người tiêu dùng nội địa.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.