Quốc tế
Thách thức pháp lý mới đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol
Ngày 10-12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để điều tra các cáo buộc nổi loạn đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến áp đặt thiết quân luật hồi tuần trước.
Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol vào ngày 10-12. Ảnh: Yonhap |
Theo Yonhap, Quốc hội Hàn Quốc, nơi đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc (DPK) đang nắm giữ thế đa số, thông qua dự luật yêu cầu bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực phụ trách điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Park An-su, Thủ tướng Han Duck-soo, Giám đốc Bộ chỉ huy phản gián Quốc phòng Yeo In-hyung, cựu lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền (PPP) Choo Kyung-ho và một số quan chức khác liên quan việc ban bố thiết quân luật.
Đây là diễn biến đáng chú ý khi mở đường cuộc điều tra của một công tố viên đặc biệt thường trực, có thể thực thi nhiệm vụ độc lập với các cơ quan điều tra hiện có nhằm giảm khả năng can thiệp của tổng thống hoặc chính phủ. Theo luật, Tổng thống có thể phủ quyết việc Quốc hội bổ nhiệm cố vấn đặc biệt thông thường cho một cuộc điều tra, song không thể làm điều tương tự với cố vấn đặc biệt thường trực. Như vậy, Quốc hội có thể ngay lập tức bắt đầu quá trình đề xuất một ứng cử viên cố vấn đặc biệt do đảng đối lập tiến cử. Được biết, công tố viên đặc biệt thường trực được phép điều tra trong 60 ngày với 5 công tố viên và 30 viên chức nhà nước.
Theo kế hoạch, đảng DPK đối lập có kế hoạch đưa dự luật về cố vấn đặc biệt thường trực mà họ đề xuất ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể vào ngày 12-12, cùng với dự luật gây tranh cãi yêu cầu điều tra của cố vấn đặc biệt về cáo buộc liên quan đến đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, bao gồm nghi ngờ liên quan chương trình thao túng cổ phiếu và can thiệp vào đề cử bầu cử thông qua nhà môi giới quyền lực.
Quốc hội thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt cho thấy việc đảng đối lập nỗ lực theo đuổi luận tội tổng thống đến cùng. Thực tế, đến nay cả Văn phòng điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO), cảnh sát và cơ quan công tố Hàn Quốc đều đã mở các cuộc điều tra riêng đối với tổng thống. Song, đảng đối lập lại nghi ngờ hiệu quả của những cuộc điều tra này do có khả năng can thiệp từ chính phủ.
Cùng ngày, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật kêu gọi bắt giữ ngay lập tức Tổng thống Yoon Suk-yeol và 7 quan chức cấp cao khác liên quan đến việc ban bố thiết quân luật. Tuy nhiên, theo Xinhua, nghị quyết này cũng giống như dự luật, phải trải qua quá trình đề xuất, xem xét của ủy ban thẩm quyền và thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhưng không có hiệu lực pháp lý.
Đến nay, dù đã giao việc điều hành cho đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền nhưng Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, theo Reuters và Xinhua. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận quyền kiểm soát lực lượng quân sự của nước này hiện nằm trong tay ông Yoon Suk Yeol.
Cũng trong ngày 10-12, Cảnh sát Hàn Quốc thông báo triệu tập các thành viên nội các và người đứng đầu cơ quan tình báo để chất vấn vụ thiết quân luật. Trong số đó có Thủ tướng Han Duck Soo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun và một số bộ trưởng khác. Cảnh sát cho rằng, những quan chức này đã tham dự các cuộc họp nội các được tổ chức trước và sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol tối 3-12. Văn phòng Điều tra quốc gia, đơn vị xử lý vụ án, không loại trừ khả năng thực hiện hành động pháp lý để buộc những người này ra hầu tòa nếu từ chối hợp tác.
Thiết quân luật lần đầu tiên áp dụng sau hơn 40 năm chỉ kéo dài khoảng 6 giờ nhưng đã gây ra “cơn bão lửa” trong nước và các cuộc biểu tình lớn trên đường phố. Dư luận quốc tế hy vọng chính trường Hàn Quốc trở lại ổn định. Ngày 10-12, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul Fang Kun bày tỏ hy vọng về sự ổn định kinh tế và xã hội của Hàn Quốc trong bối cảnh bất ổn chính trị. Yonhap dẫn lời quan chức Trung Quốc bày tỏ: “Là một nước láng giềng gần gũi và là đối tác hợp tác quan trọng, chúng tôi hy vọng nền kinh tế và xã hội của Hàn Quốc tiếp tục ổn định”. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh trong việc duy trì liên lạc chặt chẽ và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong tương lai.
Sức ép với đảng PPP cầm quyền Sự phẫn nộ của công chúng đối với đảng PPP cầm quyền gia tăng kể từ khi đảng này tẩy chay cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol cuối tuần trước. Tính đến ngày 10-12, số người đồng ý bản kiến nghị nộp trên trang web của Quốc hội về việc giải thể PPP đã vượt quá 160.000. Nếu có hơn 50.000 người đồng ý, bản kiến nghị sẽ được đệ trình lên ủy ban thường vụ. Người kiến nghị lập luận rằng hầu hết các thành viên PPP vắng mặt cuộc bỏ phiếu quan trọng này là hành vi “vi phạm Hiến pháp”, theo The Korea Times. Những người kiến nghị yêu cầu Quốc hội yêu cầu Tòa án Hiến pháp giải tán đảng cầm quyền, cũng như thực hiện hành động kỷ luật đối với các nhà lập pháp không tham dự phiên họp toàn thể nói trên theo đạo luật Quốc hội. |
THƯ LÊ