.

Quốc tế

Giá vàng thế giới chưa dứt chuỗi tăng kỷ lục

07:42, 21/03/2025 (GMT+7)

Giá vàng thế giới chưa dứt chuỗi tăng kỷ lục và thậm chí đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 20-3, trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị vẫn tiếp diễn.

Thỏi vàng nặng một kg tại trụ sở chính của YLG Bullion International Co. ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Thỏi vàng nặng một kg tại trụ sở chính của YLG Bullion International Co. ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Theo Reuters, giá vàng ghi nhận tới 16 mức cao kỷ lục từ đầu năm 2025 đến nay, với 4 lần vượt mốc 3.000 USD/ounce, thậm chí vượt mức cao nhất mọi thời đại là 3.055,96 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch ngày 20-3.

Yếu tố thúc đẩy tăng giá

Reuters dẫn nhận định của Công ty Metals Hong Kong Ltd., cho rằng giá vàng đang được hỗ trợ rất nhiều từ những yếu tố thị trường không chắc chắn, căng thẳng địa chính trị, đồng USD yếu và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất. Lâu nay, sự quan tâm đến việc mua vàng thường tăng đột biến khi các nhà đầu tư lo lắng và giờ đây nỗi lo lớn nhất nằm ở cuộc chiến thương mại leo thang của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các quyết sách thuế quan, làm dấy lên quan ngại nguy cơ lạm phát, gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, giá vàng luôn dễ biến động trước các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi thực tế lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng. Ngày 19-3, FED giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 4,25% - 4,50% như dự đoán của thị trường; đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 và nâng dự báo lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến thực hiện hai đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm cuối năm 2025. Ngoài ra, căng thẳng leo thang ở Trung Đông tái diễn cũng “tiếp tay” đợt tăng giá kỷ lục của vàng.

Liệu có còn tăng?

Khó có thể dự đoán chắc chắn cho giá vàng trong tương lai, tuy nhiên giới chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố tiềm năng khiến giá vàng có thể tiếp tục leo thang trong năm 2025. Theo MoneyWeek, trong 5 năm qua, giá vàng đã tăng hơn 88%. Có 3 yếu tố cơ bản thúc đẩy giá vàng mạnh từ năm 2024: lãi suất, hiện tượng mua vào của ngân hàng trung ương và bất ổn địa chính trị. MoneyWeek đánh giá, với nhiều bất ổn về kinh tế và địa chính trị hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư tin rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư vào vàng. Các ngân hàng trung ương cũng mua vàng, đặc biệt là ở các quốc gia như Nga và Trung Quốc, điều này góp phần làm tăng giá. Trong khi đó, kim loại này ngày càng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như công nghệ nano và trí tuệ nhân tạo (AI), trong liệu pháp điều trị ung thư và chống sốt rét.

AP dẫn lời nhà chiến lược thị trường Joseph Cavatoni tại Hội đồng Vàng thế giới phân tích: “Với dự đoán lạm phát tăng, lãi suất thấp hơn và bất ổn liên tục, chúng tôi tiếp tục thấy yếu tố hỗ trợ cho vàng trong tương lai”. Nhìn về dài hạn, giá vàng có thể vượt xa ngưỡng 3.000 USD/ounce. Trong khi đó, ông Pawan Jain tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), dự đoán với CBS News: “Giữa năm 2025, vàng dự kiến tiếp tục quỹ đạo tăng, có khả năng đạt mức 3.200 - 3.300 USD/ounce. Ngoài ra, nhu cầu của nhà đầu tư vẫn kiên cường, đặc biệt là trong các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng và nắm giữ vật chất”.

Cố vấn tài chính Dinon Hughes tại Nvest Financial lý giải, nếu nhà đầu tư tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, đây là thời điểm thích hợp để mua vào. “Hầu như mọi thứ khác đều có thể tăng: cổ phiếu, trái phiếu... Đối với các nhà đầu tư dài hạn, trọng tâm nên là vai trò của vàng như công cụ đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro, và ít chú ý hơn đến biến động giá”, ông lập luận.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, trong khi triển vọng chung về giá vẫn tích cực, các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng bởi kim loại quý này cũng là tài sản rất dễ biến động và giá tăng khi nhu cầu tăng, nghĩa là khi lo lắng hoặc bất ổn kinh tế dâng cao, những người thường hưởng lợi từ kim loại quý chủ yếu là người bán”. Lịch sử đã chứng minh giá vàng tăng cao nhưng cũng nhanh chóng lao dốc đến mức không thể trở tay. Thậm chí có chuyên gia cho rằng vàng không phải lúc nào cũng là hàng rào chống lạm phát như nhiều người vẫn nói và có nhiều cách hiệu quả hơn để bảo vệ chống lại khả năng mất vốn, chẳng hạn như các khoản đầu tư dựa trên phái sinh.

Lần gần đây nhất giá vàng đạt mức đỉnh cao nhất mọi thời đại, chạm mức 1.900 USD/ounce vào năm 2011 khi xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ cấp, bạo loạn hàng loạt xảy ra ở Anh và cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

THƯ LÊ

.