.

Quốc tế

Hành trình trở về của hai phi hành gia sau 9 tháng trên ISS

07:39, 20/03/2025 (GMT+7)

Ngày 19-3, hai phi hành gia trở về Trái đất sau 9 tháng mắc kẹt trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Hành trình đầy cảm xúc của họ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trở thành biểu tượng cho sự kiên cường, tinh thần lạc quan và khả năng thích ứng trong tình huống khắc nghiệt.

Theo Reuters, hai phi hành gia Butch Wilmore (62 tuổi) và Suni Williams (59 tuổi) của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) tham gia chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên của tàu Starliner (Boeing) dự kiến kéo dài 8 ngày vào tháng 6-2024. Các phương tiện truyền thông khi đó ca ngợi Starliner như bước tiến quan trọng trong việc mở rộng năng lực du hành vũ trụ thương mại của Mỹ, cũng như củng cố vị thế của Boeing trong ngành hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, hệ thống đẩy của Starliner liên tục gặp vấn đề khiến kế hoạch quay về Trái đất của hai phi hành gia liên tục bị hoãn lại. Do đó, NASA quyết định đưa họ trở lại bằng tàu Crew Dragon của SpaceX.

Ngày 19-3, tàu Crew Dragon đưa hai phi hành gia này hạ cánh an toàn xuống vùng biển ngoài khơi Florida (Mỹ). Sự kiện đánh dấu sự kết thúc của sứ mệnh không giống bất kỳ sứ mệnh nào trước đây với nhiệm vụ kéo dài bất thường và những sự cố kỹ thuật nghiêm trọng khiến họ phải kéo dài cuộc phiêu lưu thách thức một cách bất đắc dĩ. Hai phi hành gia này không giấu nổi niềm vui khi trở về Trái đất. Nhà sáng lập SpaceX, tỷ phú Elon Musk cũng đăng đoạn video trên lên X và thu hút hàng chục triệu lượt xem, cho thấy sức hút của cuộc “giải cứu” này.

Thực tế, thời gian làm nhiệm vụ dài trên ISS đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là điều kiện sống, tâm lý và sức khỏe của các phi hành gia. Theo giới chuyên gia, hai phi hành gia có thể trải qua nhiều thay đổi về thể chất do sống quá lâu trong không gian với các vấn đề sức khỏe như teo cơ hoặc suy giảm thị lực. Môi trường thiếu lực hấp dẫn khiến tình trạng giảm mật độ xương nghiêm trọng không thể phục hồi và khứu giác cũng bớt nhạy bén.

Sau khi tàu của Space X hạ cánh an toàn và được đưa khỏi capsule, nữ phi hành gia Williams phải nhờ người dìu lên cáng bởi bà đã sống quá lâu trong tình trạng không trọng lượng. Hiện, SpaceX và NASA đang hợp tác phát triển máy ly tâm mà phi hành gia có thể ngủ bên trong giúp đẩy văng chất lỏng ra. Khi họ quay trở lại Trái đất, quá trình phục hồi của họ sẽ tương tự hoạt động vật lý trị liệu mà bất cứ ai từng tỉnh lại sau khi hôn mê trải qua.

Hai phi hành gia dự kiến trở về Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston để tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vài ngày. Dù đối mặt nhiều thử thách, cả hai phi hành gia đều tỏ ra lạc quan. CNN dẫn lời ông Nick Hague, chỉ huy sứ mệnh “giải cứu” này chia sẻ: “Thật là một chuyến đi đáng nhớ. Tôi thấy một khoang tàu đầy những nụ cười rạng rỡ”.

Giới khoa học không gian quốc tế tán dương chuyến giải cứu kịch tính này. New York Post dẫn lời ông Joel Montalbano, phó quản trị viên phụ trách hoạt động không gian của NASA, cho biết, hai phi hành gia đã tiến hành khoảng 150 thí nghiệm (khoảng 900 giờ) trong thời gian họ mắc kẹt trên ISS, điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của du hành vũ trụ của con người. “Công việc chúng tôi làm trên ISS mang lại lợi ích cho quốc gia, mang lại lợi ích cho con người trên Trái đất và là nền tảng để quay trở lại Mặt trăng và sao Hỏa”. Trên X, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi: “Họ đã trải qua thử thách về lòng can đảm, sự kiên trì của con người. Câu chuyện của họ sẽ mãi mãi truyền cảm hứng cho hàng triệu người”.

Điều khiến cuộc hành trình dài 9 tháng đầy thử thách trong không gian này thu hút sự chú ý là thực tế hai phi hành gia nói trên đã bị kẹt lại trên ISS tới 286 ngày, lâu hơn mức trung bình 6 tháng của các sứ mệnh ISS. Đáng chú ý, với riêng bà Williams, chuyến đi vừa qua đánh dấu lần thứ ba bà bay vào vũ trụ với tổng cộng 608 ngày trên không gian, đứng thứ hai trong lịch sử NASA, chỉ sau phi hành gia Peggy Whitson (675 ngày). Trước đó, có nhiều kỷ lục được xác lập. Phi hành gia NASA Frank Rubio từng ở 371 ngày trên ISS trong năm 2023. Kỷ lục thế giới hiện thuộc về phi hành gia Nga Valeri Polyakov với 437 ngày liên tục trên trạm Mir năm 1994.

THƯ LÊ

.