Hơn một thập niên qua, sức ép chính trị và địa chính trị lên Liên minh châu Âu (EU) gia tăng chưa từng có, trong đó có hàng loạt sự kiện đáng chú ý như: khủng hoảng tài chính rồi khủng hoảng đồng euro (từ năm 2008), sức ép gia tăng của Nga tại khu vực xung quanh châu Âu; gần đây là vấn đề hạt nhân Iran; Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF); sự trỗi dậy của Trung Quốc với những thách thức về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tấn công mạng, an ninh biển, bẫy nợ… Ngay trong nội bộ EU diễn ra những thay đổi lớn về thể chế với việc thực hiện Hiệp ước Lisbon năm 2009, việc Anh sắp rời “mái nhà chung” sau hơn 40 năm tham gia khối…
Những diễn biến đó buộc EU thay đổi sách lược, cách thức đối phó, nhất là sau cuộc buộc cử Nghị viện châu Âu mới đây. Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là vấn đề quốc phòng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU đã hình thành Trung tâm châu Âu chống các mối đe dọa hỗn hợp (Hybrid CoE) tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Hybrid CoE sẽ đóng góp quan trọng vào an ninh khu vực. Trong số 12 thành viên của Hybrid CoE, Phần Lan và Thụy Điển không thuộc NATO, trong khi Na Uy và Mỹ không phải là thành viên EU.
Đáng chú ý, trong hai ngày 28 và 29-8, tại Helsinki, các Bộ trưởng Quốc phòng EU sẽ nhóm họp không chính thức để thảo luận các công nghệ mới và những tiến triển của thế giới do đại diện cao cấp của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini chủ trì. Các chủ đề được thảo luận bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc phòng và an ninh. Phiên thảo luận tập trung vào cách thức khai thác AI để phát triển khả năng quốc phòng của EU, hay cách thức giúp bảo đảm EU luôn theo kịp sự phát triển công nghệ toàn cầu. Các bộ trưởng cũng sẽ đề cập những câu hỏi về đạo đức và pháp lý liên quan đến các vấn đề số hóa và AI.
Các cuộc thảo luận tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh và quốc phòng sẽ bàn về vấn đề an toàn hàng hải đang nổi lên ở vùng Vịnh, Biển Đông và các mối đe dọa hỗn hợp khác.
Hồi đầu tháng 8 này, tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - EU ở Bangkok (Thái Lan), bà Federica Mogherini thông báo việc triển khai các cố vấn quân sự tại nhiều phái đoàn ngoại giao của châu Âu ở châu Á. Bà Mogherini nhấn mạnh, an ninh của châu Á cũng là an ninh của châu Âu. EU là đồng chủ tịch của nhiều sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN, đặc biệt là các cuộc họp về đấu tranh chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và về an ninh trên biển. EU cũng đã tham gia một cuộc tập trận hải quân do các quốc gia châu Á tổ chức.
Diễn biến đó cho thấy, EU đã có những bước đi tích cực trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng nhằm đưa khái niệm “xung đột hỗn hợp” vào trọng tâm chính sách đối ngoại của liên minh gồm 28 thành viên, hoạch định các biện pháp thực hiện nhằm thúc đẩy cách tiếp cận thích hợp trong việc đối phó với các cuộc xung đột, các chiến lược khu vực mới hoặc theo chủ đề (chống chủ nghĩa khủng bố, kết nối, EU - châu Phi, EU - ASEAN ), hay đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc…
TUYẾT MINH