Hơn một năm qua kể từ khi giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại, hai bên đã có 11 vòng đàm phán nhưng không hóa giải được những bất đồng.
Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1-9 đẩy cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới. Trung Quốc đã có hai bước đi quyết liệt phản công, một là ngừng mua ngay lập tức hàng nông sản của Mỹ nhằm đánh vào nông dân - lực lượng quan trọng vốn ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước thềm bầu cử vào năm 2020; hai là phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) với tỷ giá hơn 7 NDT đổi 1 USD, động thái được cho là sẽ khơi mào một cuộc chiến tiền tệ.
Ngay lập tức Bộ Tài chính Mỹ xếp Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định sẽ thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ lợi thế cạnh tranh mà Trung Quốc có được nhờ quyết định này. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, đồng thời gọi hành động hạ giá nội tệ là “sự vi phạm nghiêm trọng”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lý giải, việc hạ giá nội tệ xuống thấp đến mức kỷ lục chủ yếu nhằm phản ánh sự lo ngại của thị trường về “các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu mới nhằm vào Trung Quốc”. Đây không phải lần đầu tiên PBOC làm dấy lên mối lo nguy cơ chiến tranh tiền tệ kể từ khi căng thẳng thương mại với Mỹ - Trung bùng phát cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây và việc để đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục như thế, Trung Quốc rõ ràng đang gửi đi thông điệp: nước này sẵn sàng sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington.
Với việc hạ giá NDT, Trung Quốc có thể giảm thiểu tác động từ thuế Mỹ khi giúp hàng xuất khẩu rẻ hơn. Dù vậy, động thái này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực trong nước, đồng NDT mất giá sẽ châm ngòi cho làn sóng rút vốn ra khỏi Trung Quốc và gây bất ổn kinh tế. Năm 2015, Trung Quốc gây sốc cho các thị trường toàn cầu khi bất ngờ hạ giá NDT 2%, khiến dòng vốn 680 tỷ USD ồ ạt chảy khỏi nơi đây, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế. Lần gần đây nhất Trung Quốc để nội tệ rơi về 7 NDT đổi 1 USD là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phá giá đồng tiền là “lợi bất cập hại” vì Trung Quốc có thể rơi vào vòng xoáy không lối thoát. Người dân sẽ “tống khứ” đồng NDT và càng làm đồng nội tệ mất giá với những hệ quả như: lạm phát, vật giá leo thang; hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là dầu hỏa đắt đỏ sẽ tác động tiêu cực đối với kinh tế Trung Quốc.
Mỹ chưa có phản ứng tiếp theo nhưng giới phân tích lo ngại chiến tranh tiền tệ sẽ diễn ra khi cả hai nước rơi vào vòng xoáy hạ giá nội tệ, theo đó tạo ra bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, chuyên gia Stephen Innes tại VM Markets Pte Ltd Singapore cho rằng, PBOC sẽ không để đồng NDT giảm giá mạnh hơn nữa.
Trong khi kinh tế rối ren, cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố, Washington muốn triển khai các tên lửa tầm trung tại nhiều địa điểm khác nhau ở châu Á - Thái Bình Dương trong vòng vài tháng, ngay sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào gây rối ngay trước “cửa nhà” mình. Như vậy, Mỹ và Trung Quốc không chỉ đối đầu với nhau về thương mại, mà còn trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, rõ nét nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với hàng loạt các “cuộc chiến” về thuế quan, nông sản, tiền tệ, công nghệ… nằm trong “cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, việc xuất hiện một “cuộc chiến” mới trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh sẽ đẩy Washington và Bắc Kinh vào cuộc đối đầu toàn diện.
TUYẾT MINH