Xung đột thương mại từ "tàn dư" của quá khứ

Trong vòng xoáy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu, Nhật Bản và Hàn Quốc bất ngờ dựng lên những “rào cản” thương mại nhằm vào nhau. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia Đông Á này?

Nhìn lại lịch sử trong 100 năm qua giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, “dấu tích” thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên vẫn còn nặng nề, trong đó nổi lên một số vấn đề như: tranh chấp đảo, lao động cưỡng bức và phụ nữ mua vui…

Ngày 22-6-1965, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Park Chung-hee đã nhận 300 triệu USD từ các quỹ hợp tác kinh tế của Nhật Bản thông qua việc ký Hiệp ước cơ bản Nhật - Hàn để từng bước khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tuy nhiên, vấn đề lịch sử vẫn là bóng ma đeo đẳng quan hệ Nhật - Hàn. Đến nay, hai nước vẫn không đạt được tiến bộ quan trọng nào trong gần 10 vòng đàm phán về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Hàn Quốc đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và bồi thường. Nhưng phía Nhật Bản khẳng định, tất cả vấn đề liên quan đến bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965.

Ngày 28-12-2015, chỉ vài ngày trước khi kết thúc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật - Hàn, Tokyo đồng ý cung cấp 1 tỷ yên (khoảng 8,3 triệu USD) xây dựng quỹ tài trợ mà chính phủ Seoul sẽ thành lập nhằm hỗ trợ các phụ nữ mua vui, khẳng định một lần nữa thái độ ăn năn của Nhật và đưa ra lời tạ lỗi thay mặt Thủ tướng Abe Shinzo.

Tháng 10-2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc một số công ty Nhật đã cưỡng bức lao động người Hàn Quốc trong Thế chiến thứ hai phải trả tiền đền bù cho các nạn nhân. Phán quyết khiến Nhật Bản phẫn nộ, vì theo Tokyo, vấn đề này đã được giải quyết thỏa đáng trong hiệp ước năm 1965 và thỏa thuận ngày 28-12-2015.

Tháng 7-2019, Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Đến ngày 7-8-2019, Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy. Động thái này đặt Nhật - Hàn đứng bên bờ “cuộc chiến thương mại” sâu rộng không chỉ gây tác động đến nền kinh tế hai nước mà còn trên quy mô toàn cầu. Hàn Quốc đáp trả bằng cách xóa tên Nhật Bản trong “Danh sách Trắng” các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Ở góc nhìn sâu xa hơn, vì sao “Những đốm lửa trong đống tro tàn lịch sử” giữa hai nước chưa bị dập tắt, trái lại được thổi bùng lên trong lúc này? Các nhà quan sát chính trị, kinh tế, quân sự quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định:

Trước hết, đó là những thay đổi trong cơ cấu chính trị quốc tế và cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á. Trong khi Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự do vấn đề tranh chấp lãnh thổ thì Hàn Quốc dường như bắt đầu coi quan điểm an ninh của Nhật Bản đối với Trung Quốc và các biện pháp “cởi trói” quân đội của Nhật Bản như mối đe dọa tiềm tàng. Những bất đồng này đang gây ra sự khác biệt trong chính sách an ninh và mất lòng tin giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ hai, đó là thái độ thận trọng và nghi kị lẫn nhau giữa chính phủ cũng như người dân Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ ba, đó là việc thiếu giải pháp ngoại giao đối với vấn đề lịch sử gây tranh cãi. Mặc dù vấn đề lịch sử không ảnh hưởng đến toàn bộ quan hệ Nhật -  Hàn, nhưng các nhà lãnh đạo hai nước cần cam kết mở rộng giao lưu và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từng bước gây dựng niềm tin và chấp nhận gác lại quá khứ.

Do vậy, việc vượt qua khúc mắc của lịch sử, kiến tạo mối quan hệ thân thiện Nhật - Hàn để thúc đẩy kinh tế phát triển và làm nền tảng vững chắc cho quá trình phi hạt nhân hóa trên bản đảo Triều Tiên là công việc cấp thiết cần được quan tâm.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.