Thêm nhân tố bất đồng giữa phương Tây và Trung Quốc

.

Quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), lâu nay vốn căng thẳng trong nhiều vấn đề. Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các bất đồng càng tăng lên xung quanh vấn đề về nguồn gốc cũng như cách kiểm soát và thông tin về dịch bệnh.

Gần đây, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi soạn thảo và thông qua Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), sau đây gọi tắt là Luật an ninh Hong Kong. Đối với Bắc Kinh, Luật an ninh Hong Kong chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản nhất đối với thuộc địa cũ của Anh kể từ khi nơi này được trao lại cho Trung Quốc 23 năm trước.

Trung Quốc cho rằng, luật an ninh mới là cần thiết sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống Bắc Kinh liên tục làm rung chuyển Hong Kong kể từ tháng 6 năm ngoái, khiến đặc khu hành chính này rơi vào tình trạng khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập niên. Song, theo các nhà phân tích chính trị trên thế giới, Luật an ninh Hong Kong thực chất là bản hiến pháp nhỏ, một bước tiến tới chấm dứt quyền tự trị của Hong Kong.

Theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh năm 1984, Hong Kong sẽ duy trì quyền tự trị về các vấn đề đối nội trong ít nhất 50 năm kể từ sau thời điểm bàn giao. Thỏa thuận này cho phép Hong Kong duy trì hệ thống pháp luật, kinh tế riêng và người dân có quyền bầu chọn lãnh đạo cho tới năm 2047.

Ngay từ khi Quốc hội Trung Quốc thảo luận và thông qua Luật an ninh Hong Kong, chính phủ Anh đã có những phản ứng gay gắt, thậm chí đưa ra các phương thức để sẵn sàng tiếp nhận hàng triệu công dân có hộ chiếu Anh muốn rời khỏi nơi này.

Trong khi đó, EU tuyên bố không xem Hong Kong là lãnh thổ tự trị đặc biệt mà chỉ xem như một thành phố bình thường của Trung Quốc. Vì thế, cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Trung Quốc - EU vừa qua gặp rất nhiều trắc trở khi không thông qua được tuyên bố chung cũng như tham vọng ký kết Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc vào cuối năm 2020 bị ngưng trệ.

Đối với Mỹ, từ khi Covid-19 bùng phát, nhất là ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh Hong Kong, căng thẳng giữa hai nước nhanh chóng leo thang. Sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh Hong Kong, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho đặc khu hành chính này. Từ năm 1992, Mỹ đã có quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại riêng biệt với Hong Kong - vùng lãnh thổ được coi là một trung tâm tài chính toàn cầu, giống như New York (Mỹ) và London (Anh).

Ngày 29-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ chấm dứt việc xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong, đồng thời thực hiện các bước đi nhằm áp đặt các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Mỹ sang vùng lãnh thổ này.

Ông Pompeo cho biết, việc Mỹ buộc phải thực hiện hành động này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước do không còn phân biệt được việc xuất khẩu các mặt hàng có kiểm soát sang Hong Kong hay sang Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, trong phát biểu riêng rẽ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh, bộ này cũng sẽ dừng các quy chế ưu đãi đối với Hong Kong, bao gồm những miễn trừ giấy phép xuất khẩu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.