Thời đại 4.0, dạy - học trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt, việc thực hiện học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ vì Covid-19 đã giúp các trường tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn về hình thức dạy - học này.
Hệ thống trường quay hiện đại của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cho phép triển khai việc dạy-học trực tuyến hiệu quả. Ảnh: NGỌC HÀ |
Covid-19 là “phép thử”
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học được các trường thành viên Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) thực hiện từ nhiều năm qua, là sự chuẩn bị có lộ trình cho xu hướng mới tất yếu của giáo dục toàn cầu và cả nước. Đặc biệt, những ngày Covid-19 được coi là một diễn biến, một phép thử để ngành giáo dục nhận diện rõ hơn vai trò của CNTT trong dạy và học mà ngành đã chú trọng lâu nay.
TS Huỳnh Ngọc Mai Kha, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHĐN cho biết, nhà trường đã ban hành quy định về dạy học trực tuyến trong nhà trường từ tháng 3-2019. Việc pháp lý hóa các quy định này giúp giảng viên có cơ sở triển khai các hoạt động giảng dạy của mình.
Nhà trường đã xây dựng lộ trình cho từng năm về việc khuyến khích và đẩy mạnh trên diện rộng công tác ứng dụng CNTT trong dạy và học, theo hướng dần bảo đảm 100% khóa học có sử dụng công nghệ trực tuyến. Để phục vụ ứng dụng CNTT trong dạy học, nhà trường đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống trường quay hiện đại.
Trường quay này, giúp giảng viên nhà trường sản xuất nguồn học liệu số chuyên nghiệp (các clip bài giảng có chất lượng kỹ thuật truyền hình cao), có thể tổ chức các sự kiện học thuật, giáo dục được truyền hình trực tiếp...
Nhà trường hiện có 2 hệ thống platform (nền tảng kết nối) triển khai hoạt động dạy học và 2 hệ thống platform khảo thí trực tuyến. Đối với platform dạy học trực tuyến, nhà trường phân luồng 1 hệ thống E-learning (giáo dục trực tuyến) dành cho tất cả khóa học trong hệ thống đào tạo cấp bằng của nhà trường, 1 hệ thống E-learning dạy bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cấp chứng chỉ, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy.
Tương tự, nhà trường sử dụng 1 hệ thống khảo thí trực tuyến cho sinh viên và học viên các hệ đào tạo cấp bằng và 1 hệ thống khảo thí trực tuyến năng lực ngoại ngữ cấp chứng chỉ quốc gia. “Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này đã giúp phục vụ tốt cho công tác đào tạo của nhà trường, trong những hoàn cảnh không đến lớp trực tiếp, hoặc do ngăn cách địa lý; Covid-19 vừa qua là ví dụ rõ ràng nhất”, TS Huỳnh Ngọc Mai Kha chia sẻ.
Các đơn vị thành viên của ĐHĐN như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm… cũng đã sớm xây dựng, ban hành kế hoạch đào tạo theo phương thức trực tuyến; tập huấn sử dụng các phần mềm dạy-học trực tuyến; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin… dần đưa việc dạy-học trực tuyến vào nền nếp. Nhiều sáng kiến phát triển công cụ học liệu đã được các giảng viên ĐHĐN thực hiện trong quá trình đào tạo trực tuyến, giúp điều chỉnh, cải tiến kịp thời các hoạt động dạy-học trực tuyến.
“Trong thời gian tạm thời nghỉ học, nhờ học trực tuyến, em biết và ứng dụng thuần thục nhiều phần mềm học online như LMS, MS Teams...; cải thiện kỹ năng kết nối nhóm. Từ đó, khi quay trở lại giảng đường, em theo kịp tiến độ của chương trình học”, Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Tàu thủy, Trường Đại học Bách khoa chia sẻ.
Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Theo PGS.TS. Đinh Thành Việt, Trưởng ban Bảo đảm chất lượng giáo dục của ĐHĐN, để công nhận kết quả học tập theo phương thức đào tạo trực tuyến, cơ sở đào tạo phải bảo đảm các hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập với đầy đủ công cụ học liệu, hệ thống mô phỏng thí nghiệm, thực hành... Các trường, đơn vị thành viên của ĐHĐN phải giám sát quá trình đào tạo, có hệ thống thi-kiểm tra đánh giá trực tuyến bảo đảm trung thực, khách quan theo chuẩn đầu ra của từng học phần; lưu hồ sơ quản lý việc dạy - học và đánh giá kết quả học tập…
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng luôn giám sát chặt việc đào tạo trực tuyến. Trong ảnh: Một buổi tập huấn về công tác giám sát đào tạo trực tuyến do Trường Đại học Bách khoa tổ chức tháng 3 vừa qua. Ảnh: NGỌC HÀ |
ĐHĐN cũng đã ban hành Hướng dẫn số 1222/ĐHĐN-ĐBCL về việc bảo đảm chất lượng giáo dục đối với các học phần theo phương thức đào tạo trực tuyến. Đây là sự chủ động, nhạy bén, kịp thời của ĐHĐN trước yêu cầu quản lý, bước đầu tự xây dựng “tiêu chuẩn” bảo đảm chất lượng giáo dục đối với việc triển khai đào tạo trực tuyến và từ xa; trước mắt khắc phục khó khăn, sự gián đoạn học tập của sinh viên trong thời kỳ phòng, chống Covid-19, đồng thời, sẵn sàng triển khai hình thức đào tạo này và đào tạo hỗn hợp trong thời gian đến, trước xu thế đa dạng hóa phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục đào tạo.
“ĐHĐN chú trọng quản lý bảo đảm chất lượng giáo dục đối với phương thức đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa. Qua đó, tạo thêm sự lựa chọn phương thức đào tạo phù hợp cho các trường nhằm tận dụng lợi thế ứng dụng công nghệ mới trong cách mạng 4.0 đã và đang được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng hiệu quả”, PGS.TS. Đinh Thành Việt nhấn mạnh.
NGỌC HÀ