Áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6: Nỗ lực 'gỡ khó'

.

ĐNO - Từ năm học 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được áp dụng đối với lớp 6 trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để công tác triển khai thuận lợi.

Học sinh lớp 6 ôn bài trực tuyến trước khi bước vào năm học mới 2021-2022. Ảnh: TRÀ LÊ
Học sinh lớp 6 ôn bài trực tuyến trước khi bước vào năm học mới 2021-2022. Ảnh: TRÀ LÊ

Hiện nay, toàn thành phố có 34/65 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 327 phòng học bộ môn đạt chuẩn, 55 thư viện đạt chuẩn, 36 thư viện đạt tiên tiến. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học bộ môn, dạy học STEM; xây mới, sửa chữa các khu phòng học, phòng bộ môn... đã cơ bản hoàn thành.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tổ chức bồi dưỡng các modul của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 62 cán bộ cốt cán cấp THCS trải đều ở các môn học; đồng thời giao quyền cho các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương với tổng số tiết 1.015 tiết/năm học, 29 tiết/tuần.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, công tác bồi dưỡng, tập huấn gặp khó khăn. Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Từ tháng 6 đến tháng 8-2021, giáo viên chủ yếu tham gia bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến nên không có không gian tương tác trực tiếp, trao đổi cụ thể để nắm bắt kịp thời những đổi mới về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên các môn tổ hợp như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật chưa được đào tạo, bổ sung kiến thức, kỹ năng để đáp ứng mục tiêu chương trình mới”.

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) lo lắng: “Các hoạt động giáo dục trong chương trình mới có nội dung và hình thức đa dạng, tạo cơ hội để học sinh phát huy năng lực, phẩm chất. Để triển khai tốt, nhà trường phải chuẩn bị chu đáo khâu tổ chức, quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh ngoài lớp học. Tuy nhiên, cán bộ quản lý, giáo viên chưa được đào tạo, tập huấn nhiều về các yêu cầu này. Đáng quan tâm hơn nữa là kinh phí tổ chức các hoạt động khá lớn, trong khi ngân sách nhà trường còn hạn hẹp. Trong tình hình dịch bệnh, công tác xã hội hóa giáo dục cũng gặp trở ngại”.

Để tháo gỡ phần nào những khó khăn trên, giữa tháng 8-2021, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo trực tuyến về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chủ trì. Hội thảo thu hút gần 1.000 cán bộ quản lý và giáo viên bậc trung học và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố tham gia.

Trước đó, vào tháng 3, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tháng 4, UBND thành phố ban hành Danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn Đà Nẵng từ năm học 2021-2022.

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị trường học công bố danh mục tài liệu chính thức lớp 6 thực hiện trong năm học 2021-2022 đến phụ huynh học sinh trước ngày 10-5-2021 bằng nhiều hình thức.

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) cho rằng: “Các bộ sách giáo khoa lớp 6 được thành phố lựa chọn có thiết kế bài học theo chủ đề, theo mạch kiến thức, tăng cường nội dung về thực hành, luyện tập, xử lý các tình huống gắn với thực tiễn cuộc sống nhằm phát huy toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Sách được thiết kế có nhiều tranh ảnh minh họa tác động trực quan đến học sinh”.

Năm học mới cận kề với nhiều khó khăn khi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, ngành giáo dục thành phố đã chuẩn bị những điều kiện cơ bản, cần thiết để triển khai tốt, đúng lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

TRÀ LÊ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích