Những ngày không đến lớp

.

ĐNO - “Dạ cô ơi, chuông vô tiết hơn mười phút rồi!”. “Ừ, ừ! Nói các bạn yên lặng, cô lên liền đây!”. “Trời ơi! Trễ giờ dạy rồi!”. Hoảng hốt, tôi bật dậy. May sao, chỉ là mơ - giấc mơ đáng sợ nhất của nghề giáo! Tỉnh giấc, tự dưng thấy lòng buồn lạ. Hơn 3 tháng rồi chúng tôi không được đến lớp. Năm học cũ đã kết thúc, năm học mới sắp bắt đầu…

Học sinh Trường Sky-Line tương tác với thầy cô qua phần mềm Zoom trước thềm năm học mới. (Ảnh đơn vị cung cấp)
Học sinh Trường Sky-Line tương tác với thầy cô qua phần mềm Microsoft Teams trước thềm năm học mới. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Tháng 5, tháng của mùa thi, là những ngày mà tôi không sao tránh khỏi đôi bận nao lòng khi nghe giọng trò rưng rưng: “Tụi con sắp xa trường rồi!”. Cô trò thủ thỉ nhỏ to, dặn dò gửi gắm.

Vậy mà, tháng năm này, cô trò chỉ gặp nhau qua camera màn hình trực tuyến. Giọng giảng của cô vẫn vang, nhưng tiếng nói cười của trò xa vắng lắm. Cô trò còn chộn rộn với việc báo cáo mỗi ngày: Có bạn nào ở trong khu cách ly không? Có bạn nào thuộc trường hợp F không?… Chút hoang mang, chút lo lắng bộn bề…

Cứ vậy, cô trò thật gần, mà cũng thật xa! Một năm học khép lại, không có lễ khai giảng, cũng không có lễ bế giảng trực tiếp. Lứa học trò lớp 12 của tôi đã bỏ lỡ chuyến dừng chân cuối cùng để nói lời tạm biệt thời hoa niên đầy nắng. Đọc tin nhắn của mấy đứa nhỏ “Con nhớ trường quá cô ơi!”, thấy lòng chênh chao niềm thương không tả được bằng lời.

Những ngày giữa tháng 8, theo lệ thường, là thời điểm khởi động năm học mới. Năm nay, khâu chuẩn bị cũng tuần tự diễn ra, nhưng là trên những dòng thông báo và những buổi họp nhóm giáo viên online. Cả nước đang căng mình chống dịch, thành phố tạm ngừng hoạt động trong 7 ngày, “ai ở đâu ở yên đấy”. Sân trường trống vắng, hoang hoải đầy nắng. Nhớ sao vòm trời lanh lảnh tiếng cười!

Nhưng rồi nỗi nhớ ấy bỗng chốc thoáng qua, nhẹ bẫng. Ngoài kia, con số những người mắc Covid-19 gia tăng từng ngày, đội ngũ y bác sĩ đang căng mình giành lại từng hơi thở cho bệnh nhân, biết bao chiến sĩ chắn gác trong trang phục ướt đầm mồ hôi ở những trạm chốt chặn không mái che, bao nhiêu tình nguyện viên không màng an nguy dấn thân vào ổ dịch…

Được bình an dưới mái nhà, cạnh những người yêu thân, ở thời khắc này, thực sự là một diễm phúc. Bài học lớn nhất tôi đã nói cùng học trò trong những ngày lịch sử này, là bài học về lòng biết ơn…

Tôi tự hỏi: Ngữ liệu nào trong trang sách có thể giúp tôi giảng giải nguồn cội, sức mạnh của lòng nhân, tình yêu thương, sự tử tế rõ ràng hơn, tường tận hơn hình ảnh những anh chị tình nguyện viên đứng ngồi không yên trên những đoạn đường tối mịt giữa khuya, chờ đoàn xe đồng bào hồi hương đi qua để tiếp cho họ bình xăng, cái bánh, hộp sữa?!

Trong đêm, bóng tối giúp họ giấu vội giọt nước mắt thấu cảm, xót xa. Tôi muốn học trò nhìn thấy cảnh một cụ già vô gia cư từ chối nhận hộp cơm từ thiện thứ hai vì “Để dành cho người khác nữa!”. Tôi muốn học trò thấy hình ảnh người đàn ông nhảy cẫng vui sướng như đứa trẻ khi nhận quà cứu trợ là 5kg gạo và 1 thùng mì ăn liền… Trong tận cùng thiếu thốn, khổ đau, con người gần lại, thương nhau nhẹ nhàng và tinh tế đến lạ kỳ! Những bài học ấy, nếu đã hiểu, tôi tin, học trò sẽ thấm sâu hơn cả vạn lời giảng của thầy cô.

Và tôi tự nhủ: Trong kho tư liệu dạy học của tôi từ hôm nay, nhất định phải có video về những chiến sĩ áo trắng giữa trận chiến sinh tử; nhất định phải có hình ảnh người nghệ sĩ hát vang khúc ca “Nối vòng tay lớn” giữa sân bệnh viện dã chiến; nhất định phải có quầy rau 0 đồng cùng những dòng chữ nguệch ngoạc, sai chính tả của anh Minh Râu; nhất định phải có chân dung của chàng trai 9X “Lâm Ống Húc” trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp Sài Gòn để tặng chiếc bánh mì, hộp khẩu trang cho người nghèo vì “mong trả nợ đời”…

Những ngày tôi đang sống thật nhiều nước mắt - của cả cay đắng và yêu thương. Việc thật, người thật ấy, chẳng phải là dẫn chứng sát sao nhất, nhân văn nhất, thuyết phục nhất về ý niệm cuộc đời, nguyên lý tình thương, lẽ sống cao đẹp hay sao?!

Chưa được đến trường, nhưng tôi tin, học trò tôi đã tự tìm và chắt chiu được nhiều bài học nhân sinh đắt giá. Cuộc đời là trường học lớn, và trường học ấy đang mở cánh cửa thật rộng. Chỉ cần, những đứa trẻ biết mở lòng “đón lấy tất cả những vang động của đời” (chữ dùng của nhà văn Nam Cao). Tôi thầm nghĩ, thêm một chút nữa, là cả những xáo động của đời.

Trong tiết dạy trực tuyến đầu tiên của năm học mới, nhất định tôi sẽ nói cùng học trò điều ấy!

TRẦN THỊ HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.