Giáo dục
Cần đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử
Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ cân nhắc lại việc dạy môn Lịch sử ở bậc THPT. Bạn đọc bày tỏ quan tâm vấn đề này.
Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
* Ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng: Tăng cường phương pháp dạy học trực quan sinh động
Là người làm công tác giáo dục lịch sử - văn hóa dân tộc và địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng hơn 12 năm, tôi nhận thấy giáo dục lịch sử có vai trò quan trọng trong bồi đắp, xây dựng và phát triển, hoàn thiện nhân cách, ý thức của học sinh đối với lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử địa phương nói riêng.
Lịch sử Việt Nam có bề dày lớn, trải qua nhiều biến động. Việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường giúp học sinh hiểu về lịch sử dân tộc, khơi gợi và xây dựng tình cảm cũng như lòng tự hào dân tộc. Từ đó, các em thấy được trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng quê hương, đất nước và hoàn thiện bản thân. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử cho học sinh là rất cần thiết.
Nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT mới, bắt đầu triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023, tôi cho rằng ngành giáo dục và nhà trường cần tăng cường hơn nữa phương pháp dạy học trực quan sinh động và trải nghiệm thực tế để môn Lịch sử bớt khô khan, cứng nhắc và học sinh không bị nhàm chán. Bởi lẽ, thực tế nếu học Lịch sử mà chỉ học theo các sự kiện, con số thì đa phần học sinh sẽ cảm thấy “sợ”. Nhà trường cần phối hợp với các khu di tích, các bảo tàng như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quân khu 5… để xây dựng các chuyên đề, các giờ học ngoại khóa phù hợp. Khi học sinh được đi, được nghe, được nhìn, được cảm nhận, các em sẽ có hứng thú hơn với bộ môn này, từ đó lựa chọn học môn này nhiều hơn. Ngoài ra, nhà trường cũng cần xây dựng các video, hình ảnh tư liệu, mẩu chuyện gắn với các cột mốc lịch sử để học sinh học Lịch sử trong môi trường sáng tạo, tăng sự tiếp thu kiến thức và dễ nhớ bài hơn.
* Bà Nguyễn Thị Lan Anh (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang): Đừng để học sinh xem môn Lịch sử là gánh nặng trong thi cử
Ngày 13-5, trong buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố để chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri bày tỏ lo ngại về việc nắm bắt kiến thức lịch sử của học sinh. Những lo ngại của cử tri không phải là không có cơ sở, nhất là khi 260.074 thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử (chiếm tỷ lệ 46,95%) trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020; 331.429 thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử (chiếm tỷ lệ 52%) trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021.
Tôi có con sắp tới vào lớp 10, nghĩa là con sẽ học 5 môn lựa chọn trong 3 nhóm môn học: nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Việc lựa chọn môn học là do con quyết định dựa trên năng lực, sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn con mình học môn Lịch sử ở bậc THPT và làm sao để con học một cách hào hứng, chứ không phải là học thuộc lòng từng sự kiện, con số.
Tôi nghĩ rằng, thay vì tranh cãi nên đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc hay lựa chọn thì ngành Giáo dục và Đào tạo cần làm sao để môn học này trở nên hấp dẫn hơn, để học sinh tự giác, hào hứng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và thế giới, từ đó hoàn thiện tri thức. Đừng để học sinh xem môn Lịch sử là gánh nặng trong thi cử.
* Sinh viên Nguyễn Nhật Thanh (khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng): Học sinh yêu thích Lịch sử sẽ cảm thấy hào hứng khi học
Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình THPT gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Theo tôi, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bắt buộc học môn Lịch sử. Nhưng trước tiên, các bạn hãy tự nhìn nhận xem trước đây bản thân có yêu thích và học Lịch sử một cách tích cực hay không? Cá nhân các bạn đã từng chán ghét môn Lịch sử chưa?
Có ý kiến cho rằng, học Lịch sử là để hun đúc và củng cố lòng yêu nước. Đúng! Nhưng nếu không có môn Lịch sử, con người không có lòng yêu nước chăng? Từ thời xa xưa, dù chưa học môn Lịch sử sử nhưng người dân đã đồng lòng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thực tế, chúng ta đã học Lịch sử từ bậc tiểu học và THCS. Trong khi đó, sự kiện lịch sử thì không bao giờ thay đổi và không mở rộng thêm ra. Nếu Lịch sử là môn lựa chọn, những học sinh thật sự yêu thích môn này sẽ cảm thấy hứng thú khi học. Thêm nữa, đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp nên môn Lịch sử sẽ là gánh nặng cho những ai học khoa học tự nhiên, đôi lúc làm họ học lệch, giảm sút thành tích. Vẫn biết việc học Lịch sử ở cấp THPT không thừa nhưng nếu trở thành môn lựa chọn cũng là một điều hợp lý.
* Anh Đoàn Minh Khiêm (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu): Làm cho giờ học Lịch sử trở nên hấp dẫn, sinh động
Theo tôi, hiện nay nhiều người cho rằng việc học môn Lịch sử nên bắt buộc ở bậc THPT bởi “dân ta phải biết sử ta”. Điều này không thừa nhưng nếu đánh đồng việc học lịch sử sẽ giúp chúng ta yêu quê hương, yêu đất nước thì chưa hẳn đúng. Thực tế cho thấy, những người học các ngành khác vẫn yêu quê hương, đất nước chẳng thua kém gì những người học chuyên ngành lịch sử. Việc yêu quê hương, đất nước còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi người. Điều quan trọng là họ hiểu như thế nào về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với quê hương, với Tổ quốc. Điều này được giáo dục đến từ nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, dù lịch sử có là môn học bắt buộc hay lựa chọn thì việc cần làm hiện nay là đổi mới phương pháp giảng dạy và cách truyền đạt của giáo viên, từ đó làm cho giờ học môn lịch sử trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, khiến học sinh yêu thích.
NHÓM PHÓNG VIÊN ghi