Giáo dục
Tuyển sinh lớp 10: Áp lực vào trường tốp đầu?
Theo số liệu học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, một số trường THPT công lập có tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 khá cao. Điều này cho thấy, muốn có một suất học ở trường công lập được cho là tốp đầu, học sinh phải chịu áp lực không hề nhỏ.
Số lượng thí sinh đăng ký tăng cao tạo áp lực không nhỏ cho những học sinh muốn vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, năm học 2022-2023. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Số lượng thí sinh tăng
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Đà Nẵng là 11.044 học sinh, phân bố cho 21 trường THPT. Số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 15.080, số học sinh đăng ký nguyện vọng 2 là 14.977. Trong đó, Trường THPT Phan Châu Trinh có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất: 2.494 em, chỉ tiêu tuyển của trường này là 1.364; Trường THPT Thái Phiên thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 1.167 em, chỉ tiêu tuyển là 792; Trường THPT Trần Phú thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 1.032 em, chỉ tiêu tuyển 792…
Số lượng thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 THPT tại Đà Nẵng tăng 1.720 em so với kỳ thi năm học 2021-2022. Căn cứ vào thông báo số liệu nguyện vọng đã công bố, học sinh có nhu cầu thay đổi nguyện vọng đến các trường THCS nộp hồ sơ đăng ký dự thi để làm thủ tục trong thời gian từ ngày 14-5 đến 17 giờ ngày 19-5.
Em Nguyễn Hoàng Quyên, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Tây Sơn cho biết, trước thời điểm ôn tập để kiểm tra cuối học kỳ 2, em và các bạn được cô giáo chủ nhiệm cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập những năm trước để tham khảo. Cùng với kết quả bài kiểm tra cuối kỳ 2, học sinh quyết định chọn đăng ký nguyện vọng dự tuyển lớp 10 vào các trường THPT công lập. Mỗi học sinh có 2 nguyện vọng xét tuyển. Nguyễn Hoàng Quyên chọn nguyện vọng 1 là Trường THPT Phan Châu Trinh và nguyện vọng 2 là THPT Trần Phú.
Theo Quyên, đây là những trường hằng năm có tỷ lệ chọi và điểm đầu vào khá cao, do đó, xác định đăng ký vào các trường này thí sinh phải có học lực giỏi và khá. “Em nghĩ đây là trường dẫn đầu về điểm đầu vào ngoài Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nên những học sinh có học lực khá giỏi đều muốn thử sức mình. Còn với nguyện vọng 2, các bạn sẽ chọn những trường khả năng chắc đậu để nếu không may rớt vẫn có suất vào trường công lập. Năm nay, số lượng học sinh toàn thành phố tăng, càng áp lực vào trường công, nhất là các trường tốp đầu”, Quyên chia sẻ.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, năm học 2021 - 2022. Ảnh: HÀ TRẦN |
Thí sinh cần lựa chọn phù hợp
Theo ghi nhận, sau khi có thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập, nhiều em đã có động thái điều chỉnh nguyện vọng. Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) cho biết, năm nào cũng có vài chục trường hợp có đơn xin điều chỉnh nguyện vọng sau khi có thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập. “Có trường hợp điều chỉnh theo hướng rút khỏi trường có điểm trúng tuyển hằng năm thuộc loại cao, nhưng cũng có trường hợp thấy sao trường này đăng ký ít thế, vậy là đua nhau thay đổi nguyện vọng, vô tình trường đó có số lượng thí sinh đông lên thì cuối cùng điểm chuẩn đầu vào cao. Do đó, nhà trường tư vấn học sinh nên thi vào trường nào phù hợp với năng lực, không nên chạy theo số đông; nó có thể là con dao hai lưỡi. Còn tỷ lệ chọi không nói lên điều gì, vì tùy số lượng trường trong quận. Quận nào có nhiều trường cấp 3 nhưng số lượng học sinh ít hơn thì tỷ lệ đậu cao hơn và ngược lại”, thầy Quốc nói.
Tương tự, cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) cũng cho hay, sau khi có thông báo thống kê số lượng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, nhà trường thông báo đến toàn thể phụ huynh và học sinh. Hằng năm đều có đơn thay đổi nguyện vọng, hướng điều chỉnh của chủ yếu đăng ký vào trường có điểm tuyển thấp hơn. “Sau khi có thống kê số lượng đăng ký, phụ huynh, học sinh nào phân vân hoặc muốn tham khảo thêm ý kiến, giáo viên chủ nhiệm sẽ tư vấn thêm nhưng quyền quyết định vẫn là học sinh, phụ huynh”, cô Hoa cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh, trên địa bàn thành phố, ngoài Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có một số trường có điểm chuẩn đầu vào cao như: Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Hòa Vang… Đây là những trường có truyền thống lâu đời, ở trung tâm của mỗi quận, huyện nên có thể số lượng đăng ký nhiều, dẫn đến điểm chuẩn đầu vào cao. “Dần dần, các trường rút ngắn về trình độ quản lý, chuyên môn giảng dạy cũng như cơ sở vật chất. Ví dụ gần đây có Trường THPT Sơn Trà, mới đầu chỉ là trường mà những thí sinh đậu vào bằng điểm vét, nhưng gần đây, điểm đầu vào của trường này tăng lên đáng kể. Kỳ vọng trong thời gian tới, việc đầu tư đồng bộ cho các trường THPT, kéo giãn dân cư… sẽ tránh trường hợp đổ xô đăng ký vào một số trường như hiện nay. Tôi cho rằng, phụ huynh, học sinh nên chọn những trường gần nhà, thuận tiện cho học tập”, ông Linh nói.
Đà Nẵng tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 kết hợp cả phương thức thi tuyển và xét tuyển. Về thi tuyển, học sinh dự thi 3 môn gồm: ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Hình thức thi: môn ngữ văn, toán theo hình thức tự luận, môn ngoại ngữ theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm. Hai môn toán và ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút; môn ngoại ngữ 90 phút. Nguyên tắc xét tuyển: chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tham gia thi tuyển đủ 3 bài thi, điểm mỗi bài thi đều lớn hơn 0. Điểm chuẩn của mỗi trường ở nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 bằng nhau. Thí sinh được xét tuyển theo nguyện vọng 1 trước, nguyện vọng 2 sau, xét theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm xét tuyển = điểm Toán x 2 + điểm Ngữ văn x 2 + điểm Ngoại ngữ + tổng điểm kết quả xếp loại hạnh kiểm và học tập của bốn năm học cấp THCS + điểm ưu tiên (nếu có). |
NGỌC HÀ