Giáo dục

Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam: Người tiên phong mở trường tư thục tại Đà Nẵng

14:44, 18/11/2022 (GMT+7)

Hơn 30 năm trước, nhu cầu gửi trẻ cao trong khi trường công chưa đáp ứng đủ, một giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương đã mạnh dạn vượt qua khó khăn, quyết tâm mở trường tư thục mầm non đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Với sự nỗ lực trong việc chăm sóc, giáo dục, ngôi trường đã khẳng định được vị thế của mình và phát triển thành Trường Mầm non -Tiểu học và THCS Đức Trí. Người giáo viên quyết đoán ấy chính là Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga.

Quyết đoán, mạnh mẽ

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga năm nay đã ở tuổi lục tuần nhưng tâm hồn luôn trẻ trung bởi cô bảo do hằng ngày tiếp xúc, vui đùa với các cháu học sinh. Phút rảnh rỗi, Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga trải lòng về những thăng trầm khi xây dựng ngôi trường Đức Trí ngày nay. “Vào những năm cuối thập niên 80 của Thế kỷ 20, gửi được đứa con nhỏ để yên tâm công tác là một khó khăn lớn của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình có con nhỏ ở thành phố Đà Nẵng do mạng lưới trường Mầm non công lập chưa đáp ứng đủ. Nhiều trẻ em cứ tha thẩn chơi ở nhà một mình hoặc gửi cho ông bà trông dùm khi bố mẹ đi làm, biết bao nguy hiểm rình rập.” Xuất phát từ nhu cầu đó, cô Lê Thị Nga đã ấp ủ ý định mở một trường mầm non để nuôi dạy các con thật bài bản. Dẫu vậy, khi đó khái niệm về trường tư thục còn rất mới mẻ bởi chưa có quy định, cơ chế chính sách. Cho đến tháng 9-1990, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 55/QĐ-BGDĐT quy định chế độ hoạt động của nhóm trẻ gia đình, mẫu giáo gia đình, nhà trẻ dân lập và trường mẫu giáo dân lập.

Một lớp mẫu giáo với 30 trẻ đầu tiên được thành lập vào năm 1990 do Phòng giáo dục thành phố Đà Nẵng cấp phép. Lớp học có ưu thế hơn hẳn so với các trường công lập lúc bấy giờ. Lớp học như một mô hình trường học trong nhà, vừa có không gian của một gia đình, có ông bà, vườn cây, ao cá,… lại vừa có cô giáo có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm dạy dỗ, chăm sóc, trông giữ các con cả ngày, đón trẻ sớm và trả trẻ muộn,  trông giữ trẻ cả ngày thứ Năm nên rất thuận lợi về giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức và người lao động. Chất lượng ban đầu của dạy học, chăm sóc sức khỏe, thể chất cho các con phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, nên phụ huynh tìm đến ngày một đông hơn.

Nhu cầu gửi con của phụ huynh đã vượt xa quy mô của lớp mẫu giáo cho phép nhưng để thành lập trường mầm non hay phổ thông tư thục thì chưa có văn bản nào quy định. Trước yêu cầu bức thiết về việc gửi con của phụ huynh, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành quyết định để cho phép thành lập Trường dân lập Đức Trí (thí điểm), được thu nhận trẻ mẫu giáo và học sinh cấp 1.

Do có kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục, lại có nhiều năm trực tiếp đứng lớp nên cô Nga có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch dạy học, cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt ở từng độ tuổi trẻ em, xây dựng phương pháp chăm sóc giáo dục, định hướng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học ngay tại ngôi nhà của gia đình và chuẩn bị mọi điều kiện để bắt kịp những yêu cầu trong công tác tuyển sinh hằng năm. Năm 2003, Trường Đức Trí đạt chuẩn Quốc gia, cũng là trường tư thục đầu tiên trong cả nước đạt được mức độ này.

Đau đáu với nghề

Đến nay, Trường Đức Trí xây dựng cơ sở khang trang nằm ngay trên hai con đường Trưng Nữ Vương và Phan Châu Trinh với quy mô 50 lớp học ở 3 cấp: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Ở cái tuổi ngoài lục tuần nhưng nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga vẫn miệt mài xây dựng thương hiệu ngôi trường vững mạnh. Cô Nga cho biết, song song với đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng đầu tư chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng đến đội ngũ giáo viên. Những giáo viên được cô tuyển dụng vào trường đều tâm huyết với nghề, có chuyên môn, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tự học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đồng thời thường xuyên cử giáo viên đi tập huấn các chương trình do ngành giáo dục tổ chức để đáp ứng việc dạy học theo chương trình phổ thông mới. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục mũi nhọn hằng năm tăng cao, học sinh của trường đạt được nhiều giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia và thành phố.

Năm học 2021-2022, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến. Việc học online kéo dài, điều cô Nga lo lắng đầu tiên là chất lượng học tập và sự phát triển tâm lý, thể chất của học sinh. “Việc học online của các con được bắt nhịp ngay sau ngày khai giảng. Học sinh khối 1 bậc tiểu học cũng dễ dàng tiếp cận với việc học nhờ trước đó nhà trường đã “chạy thử” trong dịp hè. Vào năm học mới, lớp học được chia nhỏ ra làm 2 nhóm để giúp giáo viên dễ dàng bao quát học sinh hơn. Chính vì vậy, học sinh học tập rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ dịch bệnh kéo dài, nhà trường và học sinh thấp thỏm chờ ngày đi học. Lúc này, các em có dấu hiệu “chán” học online bởi mong muốn tới trường để học tập trực tiếp. Các em rất nhớ trường lớp, thầy cô và bạn bè”, cô Nga nhớ lại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Là Hiệu trưởng, bản thân cô Nga khá lo lắng. Thấu hiểu được trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, cô luôn động viên các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nắm bắt tâm tư để kịp thời động viên các em học tập. Đặc biệt, trong giờ dạy không chỉ tập trung học bài trong chương trình mà phải sáng tạo, vận dụng linh hoạt các hình thức giúp học sinh không nhàm chán, tạo sự gần gũi, xem việc học online như đang học ở trường. Nhờ đó, kết quả cuối năm học 2021-2022, bậc THCS có 60% học sinh đạt học lực giỏi, 30% học sinh đạt học lực khá, 99,8% học sinh đạt kết quả rèn luyện tốt; bậc Tiểu học có 100% học sinh hoàn thành chương trình bậc học.

Với người “đầu tàu” đầy tài năng như Nhà giáo Lê Thị Nga, trường Đức Trí đã gặt hái được nhiều thành tích cao tại các kỳ thi, cuộc thi các cấp. Cụ thể, đoạt 63 giải thưởng ở các cuộc thi học sinh giỏi, tin học trẻ, robothon cấp thành phố và các hội thi do Ngành giáo dục phối hợp với hội đồng đội tổ chức. Điều ấn tượng và qua đó cũng khẳng định được chất lượng giáo dục của nhà trường là tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, có 95,87% học sinh đỗ vào các trường THPT theo đúng nguyện vọng, 62,81% học sinh đỗ vào các trường Trung học phổ thông top đầu, 2 lớp đạt tỷ lệ đỗ tuyển sinh THPT 100%, 8 học sinh đỗ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong đó có 1 học sinh là thủ khoa, 3 học sinh được tuyển thẳng vào Trường THPT Phan Châu Trinh.

Nhìn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của “đứa con tinh thần”, Nhà giáo Lê Thị Nga không khỏi bùi ngùi xúc động. “Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến địa phương đã tặng nhiều cờ, bằng khen cho Trường Đức Trí. Đặc biệt, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động Hạng Nhì. Tất cả là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Nhưng quan trọng hơn hết, phụ huynh tin tưởng ở Đức Trí, các con học tập tốt và yêu ngôi trường này, đó chính là niềm hạnh phúc của những người thầy như chúng tôi”, cô Nga xúc động chia sẻ.

DIỆU PHƯƠNG

.