Giáo dục
Con đường về miền ký ức
ĐNO - LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Đà Nẵng giới thiệu đến bạn đọc bài viết khá xúc động, thể hiện tình thầy trò của em Trương Anh Kiệt (Học sinh lớp 11/11 Trường THPT Thanh Khê viết về thầy Ngô Quốc Dũng, Giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, quận Thanh Khê (thầy đã nghỉ hưu). Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nắng trải khắp con đường như ai vẽ lên đó một bức tranh chỉ có duy nhất sự rực rỡ của sắc vàng ươm, gió thì thầm bên tai như đang gọi tên những kỉ niệm xưa cũ - tha thiết lắm. Tôi rải bước trên thảm vàng rực rỡ đó mà chẳng biết mình đang quét lên chính mình một làn da đỏ hồng. Chỉ ngày hôm sau thôi, chắc chắn bạn bè tôi sẽ cấp ngay cho tôi một "hộ chiếu" mang quốc tịch Angola. Ngày nắng hiếm hoi nhưng cực gắt của tháng 11 - tháng gợi nhớ nhiều kỉ niệm về thầy cô.
Hít một hơi thật sâu, tôi thấy tinh thần của mình thoải mái hẳn ra, sát bên những hàng bán hoa ấy có một con hẻm nhỏ - bên trên có treo một bảng hiệu màu xanh có ghi "Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu" Ôi! sao mà thân thương quá.
Không biết từ đâu, những kỉ niệm cứ kéo nhau ùa về làm tôi lại nhớ lần đầu tiên tôi gặp thầy, người đã làm tôi thay đổi sau này, thầy Dũng.
Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, một ngày đầu thu nhưng tiết trời còn rất nóng, thầy bước vào lớp tôi. Ngay từ lúc ấy tôi đã bị ấn tượng bởi trong suốt thời gian đi học đây là lần đầu tiên tôi được một thầy giáo làm chủ nhiệm. Có lẽ thầy đã công tác nhiều năm nên tóc thầy gần như bạc trắng, da cũng đã nhiều những vết chân chim. Ban đầu, lớp chúng tôi cứ ngỡ thầy lớn tuổi nên sẽ là một người khó tính nhưng thực tế lại khác, thầy vô cùng thoải mái, hòa nhã với chúng tôi, bởi thế mà lớp tôi lúc nào cũng có những tiết học sôi nổi.
Năm đó, trường chúng tôi cắm trại kỷ niệm ngày thành lập trường, chúng tôi bất ngờ về thầy hơn vì tình cảm thầy giành cho chúng tôi. Thầy quan tâm cả những điều nhỏ bé nhất, thầy ân cần chỉ bảo những kỹ năng về lều trại, kỹ năng tham gia các hoạt động trò chơi... và nhắc nhở khi chúng tôi mê chơi không chịu đi ngủ. Vẫn là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng giọng nói trầm ấm ấy của thầy rất tha thiết và trách nhiệm, thế nên cả lớp chúng tôi chẳng một ai làm trái lời thầy....
Phải thừa nhận rằng trăng mùa thu thật đẹp, đẹp đến nỗi bọn bạn tôi hạ lều xuống để cả lũ ngắm trăng. Chắc thầy biết chúng tôi không ngủ nên thầy vu vơ đọc vài vần thơ dưới trăng, thầy còn hài hước hỏi bọn tôi rằng thầy giống ai trong các tiền bối như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử hay là Trần Đăng Khoa! Cả lớp chúng tôi phá lên cười. Tiếng cười xua tan làn gió mùa thu, phá tan khoảng cách của thầy và trò chúng tôi.
Chúng tôi hỏi thầy về ước mơ khi thầy bằng tuổi chúng tôi. Thầy im lặng một lát rồi nói: Thầy từng ước mơ trở thành nhà báo nhưng cha mẹ thầy chỉ muốn con cái phải theo nghề giáo - các cụ nghĩ nghề giáo là nghề đẹp nhất trong các nghề. Rồi thầy kể chúng tôi nghe về những thế hệ mà thầy từng dìu dắt, những buồn vui... mãi đến khi tiếng gà báo canh thầy trò chúng tôi mới chợp mắt.
Năm ấy chúng tôi ra trường, hành trang chúng tôi mang theo đến cấp học mới là những bài học thầy trao và cả những kỷ niệm đẹp do thầy ban tặng. Trong số chúng tôi, có bạn còn tự nhủ sẽ học tập thật chăm chỉ để viết tiếp giấc mơ nghề báo của thầy.
Không biết rồi đây ai trong số chúng tôi sẽ là nhà báo, nhà văn, hay là giáo viên nhưng tôi chắc chắn rằng để là một giáo viên đủ đầy yêu thương và trách nhiệm với học sinh như thầy thì rất khó.
Dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay thầy đã nghỉ hưu. Thầy vẫn khỏe. Chúng tôi vẫn về thăm thầy mỗi năm vào dịp ngày Nhà giáo hay ngày tết cổ truyền. Nắng vàng rực của tháng 11 đã gọi tên chúng tôi, những "đứa con" lớp 9/3 của thầy năm ấy.
Nắng vàng, gió nhẹ cứ thì thào gọi mãi "thăm thầy giáo cũ chúng mày ơi!".