Giáo dục
Thiếu thiết bị dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Nhằm phục vụ cho công tác dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học. Đây là năm thứ hai triển khai chương trình này đối với bậc THCS và năm thứ 3 đối với bậc tiểu học, nhưng thiết bị vẫn chưa được cấp cho các trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Giờ học thực hành môn Khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu). Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành dành cho bậc THCS, bộ môn khoa học tự nhiên (KHTN) được trang bị 34 thiết bị dùng chung, ngoài ra còn có thiết bị theo từng môn học, thiết bị tranh ảnh, băng đĩa, phần mềm theo từng chủ đề. Các bộ môn khác như: khoa học xã hội (KHXH), công nghệ… cũng có nhiều dụng cụ thiết bị dạy học mới, phục vụ Chương trình GDPT 2018. Song hiện nay, các trường đều phải dạy “chay”, học “chay”.
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), các tiết học thực hành môn KHTN của học sinh khối lớp 6, 7 ở phòng bộ môn đều tận dụng thiết bị dạy học của chương trình cũ. Các tiết học bộ môn KHXH, giáo viên phải áp dụng dạy theo giáo án điện tử; với môn công nghệ, giáo viên và học trò tự mày mò làm thiết bị học tập cho phù hợp.
Quan sát tiết học môn địa lý của học sinh lớp 6 nhà trường, với chủ đề trái đất - hành tinh của hệ mặt trời, dù giáo viên đã cố gắng soạn giáo án điện tử khá bài bản nhưng theo nhận định của giáo viên vẫn không đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
“Theo chương trình mới, môn học này giáo viên dùng bộ học liệu điện tử, bản đồ, bộ mô phỏng động về ngày đêm luân phiên và ngày đêm dài ngắn theo ngày, học sinh sẽ dễ hình dung và hiểu rõ hơn”, giáo viên này chia sẻ.
Tương tự, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu), giáo viên tận dụng những thiết bị dạy học của chương trình cũ hoặc sử dụng máy chiếu, video thí nghiệm… phụ trợ. Nhưng hiện nay hệ thống máy chiếu nhà trường chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều lớp còn thiếu nên rất khó khăn khi áp dụng dạy học chương trình mới.
Với bậc tiểu học, đến nay, thiết bị học tập cho học sinh khối lớp 2 và 3 theo Chương trình GDPT 2018 vẫn chưa được cấp. Theo hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ GD&ĐT ban hành dành cho bậc tiểu học chủ yếu là tranh ảnh, video, clip và bộ đồ dùng học tập theo từng chủ đề. Ví dụ, với môn tiếng Việt, chủ đề học vần sẽ có bộ thẻ chữ, với môn Toán thì có bộ thiết bị dạy chữ số, phép tính, dụng cụ đo lường...
“Do chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học nên việc giảng dạy của giáo viên theo chương trình sách giáo khoa mới gặp nhiều khó khăn. Nhiều nội dung giảng dạy cần thiết bị, đồ dùng hỗ trợ để học sinh tiếp thu bài tốt hơn, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Giáo viên phải tự làm đồ dùng dạy học với một số đồ đơn giản, những cái khó hơn buộc dùng kho học liệu, thiết bị số. Đây là thiệt thòi cho giáo viên và học sinh”, cô Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) chia sẻ.
Thầy Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho hay, với hai khối lớp 6, 7 đang áp dụng Chương trình GDPT 2018, giáo viên dùng bộ thiết bị cũ của nhà trường để dạy học trong suốt thời gian qua.
Trong thời điểm chưa có đủ đồ dùng học tập để phục vụ cho việc dạy học, nhiều giáo viên khắc phục bằng cách tự làm, tự sưu tầm và tận dụng những đồ dùng sẵn có trong thư viện của nhà trường, sưu tầm các hình ảnh trên thư viện giáo án điện tử của nhà xuất bản giáo dục để minh họa cho bài dạy. Một số tiết học giáo viên chỉ có thể dạy lý thuyết, trong khi Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh phải thực hành nhiều hơn.
Tương tự, theo thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu), đây là năm thứ 2 áp dụng Chương trình GDPT 2018 nhưng chưa có thiết bị dạy học, ảnh hưởng đến chất lượng chung trong việc dạy và học. Đầu năm học, nhà trường đã rà soát thiết bị hiện có, sắp xếp tổ chức lại thiết bị, tận dụng triệt để cơ sở vật chất thiết bị sẵn có ở trường để phục vụ dạy học, nhưng chỉ đáp ứng được rất ít (khoảng 30 đến 40%) nhu cầu đồ dùng.
Đồng thời, sử dụng nguồn học liệu mở điện tử đã có các video và thí nghiệm mô phỏng để học sinh tiếp cận kiến thức mới; khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học để vừa đáp ứng nhu cầu dạy học vừa năng cao kỹ năng thực hành cho học sinh...
“Việc không đáp ứng thiết bị dạy học ảnh hưởng đến truyền tải cái mới trong Chương trình GDPT 2018. Đó là chất lượng giảng dạy sẽ không đạt hiệu quả cao; các tiết dạy và học không có thiết bị, đồ dùng dạy học ảnh hưởng rất lớn đến sự hiểu biết, tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra kết quả chính xác; học sinh chưa được trực tiếp thực hành hoài nghi về sự đúng/sai của thí nghiệm nếu chỉ dựa vào lý thuyết trong sách giáo khoa”, thầy Quốc bày tỏ.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết, đến nay các trường chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học là do “vướng” công tác đấu thầu mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Sở đã và đang phối hợp với sở, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ để triển khai cấp thiết bị, đồ dùng dạy học thời gian tới.
NGỌC HÀ