Đà Nẵng cuối tuần

Thiếu giáo viên nam

06:01, 13/11/2022 (GMT+7)

Trên địa bàn thành phố hiện nay có những trường tiểu học chỉ có nhân viên bảo vệ là nam. Ở các bậc học cao hơn vẫn có sự mất cân bằng giới tính khi giáo viên nữ chiếm khoảng 2/3. Điều này, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh và cả trong hội đồng sư phạm nhà trường.

Cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu). Ảnh: H.T
Cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu). Ảnh: H.T

Vài năm trở lại đây, ngành sư phạm bắt đầu hút người học trở lại nhưng số nam sinh đăng ký xét tuyển vẫn rất thưa vắng. Tỷ lệ sinh viên nam trúng tuyển vào ngành sư phạm của Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng giảm qua từng năm. Nếu năm 2016, sinh viên nam đạt 22,6% thì năm 2019 còn 15,2%, năm 2020 giảm xuống còn 14,1% và đến năm 2021 chỉ còn 13,6%.

Số liệu thống kê của ngành sư phạm toàn quốc vào năm 2019, có 76% nhân lực sư phạm là nữ. Nhân sự nam chỉ chiếm chưa đến ¼. Trong số đó, nhiều người không trực tiếp đứng lớp mà đảm nhiệm công tác quản lý các cấp và lãnh đạo trường học, bảo vệ… Nghĩa là số giáo viên là nam không đáng kể so với số lượng giáo viên nữ.

Tại quận Sơn Trà, ở bậc tiểu học có 10% giáo viên là nam, con số này ở bậc THCS là 20% và THPT là 30%. Đây gần như cũng là tỷ lệ chung của toàn thành phố. Ngay như bậc THPT - bậc học có nhiều giáo viên nam hơn so với các bậc học khác thì trường nhiều nhất vẫn chỉ ở mức khoảng 35%. Ở số môn học như Thể dục, Giáo dục quốc phòng hay Tin học, trước đây thường chỉ có giáo viên nam đảm nhận thì vài năm gần đây, tỷ lệ nam - nữ đã gần như cân bằng.

Việc mất cân bằng giới trong môi trường học đường là thiệt thòi đối với cả học sinh nam lẫn nữ trong giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tâm lý, giới tính cũng như hình thành tính cách cho học sinh. Những vướng mắc, xung đột trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; những thay đổi về tâm sinh lý của tuổi học trò, nếu không được giải quyết kịp thời, có khi sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét, giáo viên nữ thường nhẹ nhàng, có thể làm dịu và thu phục được những học sinh nam có tính cách hiếu động… Thế nhưng, có những trường hợp cũng cần phải có cách xử lý đòi hỏi sự mạnh mẽ, cứng rắn của giáo viên nam để học sinh không đi chệnh hướng. Chưa kể là công tác tư vấn tâm lý, định hướng cho học sinh nam cần phải có vai trò của thầy giáo. Tổ tư vấn tâm lý của các trường phổ thông đều có cơ cấu nam - nữ. Nhưng phải là những thầy giáo trực tiếp đứng lớp, có sự gần gũi nhất định với học sinh mới tạo được sự tin cậy để các em tìm đến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tuổi mới lớn về vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi.

Chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về mất cân bằng giới tính trong nghề sư phạm, nhưng cán bộ quản lý các trường học đều cho rằng, điều này còn ảnh hưởng đến cả cân bằng tâm lý trong hội đồng sư phạm chứ không chỉ tác động lên học sinh. Một thầy giáo đang làm quản lý ở trường tiểu học chỉ toàn là đồng nghiệp nữ kể rằng, trong mọi tình huống, thầy đều phải giữ chừng mực, không thể đùa vui, tếu táo để giảm căng thẳng như với những người cùng giới bởi đồng nghiệp toàn là giáo viên nữ.

Vì sao nam sinh ít chọn theo nghề sư phạm? Chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn bỏ túi với khoảng chục học sinh nam sau tốt nghiệp THPT và đều nhận được câu trả lời là thu nhập thấp, khó bảo đảm cho cuộc sống gia đình sau này. Chưa kể là đầu ra khó xin việc. Nhiều thầy giáo đang công tác trong môi trường sư phạm cũng thừa nhận điều này, khi lương giáo viên đồng thời cũng là thu nhập nếu không dạy thêm. Học ĐH cũng đồng nghĩa với việc đầu tư cho tương lai, nên nếu so sánh bài toán thu nhập của nghề giáo với một số ngành nghề hot khác, rõ ràng sức hút của trường sư phạm là không đủ mạnh.

PGS.TS Lưu Trang so sánh rằng, trước đây, khi sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm được bố trí việc làm, phân công công tác ngay khi ra trường thì số lượng nam sinh đăng ký học sư phạm lúc đó đông hơn bây giờ nhiều. Ngành sư phạm là ngành có tính chất đặc thù. Tuy giáo viên nào cũng được đào tạo bài bản về kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, nhưng giữa thầy giáo và cô giáo luôn có cách xử lý khác nhau. Sự khác nhau trong xử lý, ngoài kinh nghiệm, bản lĩnh của mỗi người, còn do những đặc trưng về giới tính quyết định. Vì vậy, nên chăng, cần có cơ chế đặc thù hoặc sự ưu tiên nào đó để thu hút nam sinh giỏi theo nghề sư phạm.

HÀ TRẦN

.