Giáo dục

Gắn kết phát triển vùng

14:45, 15/11/2024 (GMT+7)

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh “liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển…”. Với truyền thống 30 năm qua, Đại học Đà Nẵng hội đủ tiềm lực và khát vọng trở thành Đại học Quốc gia, thể hiện vai trò nòng cốt, gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Lãnh đạo thành phố và Đại học Đà Nẵng vinh danh các thủ khoa kỳ tuyển sinh đại học năm 2024. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Lãnh đạo thành phố và Đại học Đà Nẵng vinh danh các thủ khoa kỳ tuyển sinh đại học năm 2024. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Phát huy tiềm lực để hiện thực khát vọng lớn

Là đại học vùng trọng điểm quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, trải qua hành trình 30 năm xây dựng và phát triển; kế thừa, phát huy truyền thống gần 50 năm của các trường thành viên, đến nay, Đại học Đà Nẵng đã khẳng định là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu; là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chia sẻ: “Thật tự hào khi đi suốt chiều dài của đất nước đều có thể bắt gặp nhiều cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng thành đạt, đảm nhận những cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và trường học; tham gia hầu hết các công trình, dự án trọng điểm của vùng và quốc gia như: Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải, BIDV, FPT, Synopsys, UAC, Fujikin…”.

Những thành quả, dấu ấn phát triển của Đại học Đà Nẵng qua 30 năm nổi bật, toàn diện trên các mặt như: hoàn thiện hệ thống tổ chức gồm 6 trường đại học thành viên và các đơn vị đào tạo trực thuộc với đội ngũ lớn mạnh gần 2.600 cán bộ viên chức, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt trên 48% (Trường Đại học Bách khoa đạt gần 70%, gấp đôi bình quân chung của cả nước là 32%), đa phần được đào tạo ở nước ngoài, năng động, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ; phát triển quy mô hiện có hơn 60.000 sinh viên, có đủ hầu hết các lĩnh vực/ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội và người học, nhất là các ngành kinh tế then chốt, công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Qua các mùa tuyển sinh, Đại học Đà Nẵng tuyển đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào cao, một số ngành có điểm xét tuyển thuộc top đầu cả nước, là địa chỉ đào tạo tin cậy trong sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, các hoạt động khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng ngày càng khởi sắc. Hằng năm, Đại học Đà Nẵng có hơn 250 đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ/ngành, các tỉnh/thành phố và tương đương được nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thực tế, phục vụ cộng đồng; công bố khoa học bình quân hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS/Scopus); có mạng lưới hợp tác sâu rộng với hàng trăm đối tác là các tổ chức, trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp uy tín trên khắp thế giới...

Đại học Đà Nẵng được các tổ chức kiểm định chất lượng xếp hạng đại học uy tín, đánh giá cao vị thế trong nước và quốc tế với điểm nhấn là Trường Đại học Bách khoa được công nhận đạt chuẩn quốc tế HCERES (từ năm 2017 đến nay); các trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc gia (từ năm 2016 đến nay), thuộc top 3 các đại học có số chương trình đào tạo đạt chuẩn trong và ngoài nước với 95 chương trình đào tạo.

Đồng hành để phát triển bền vững

Đại học Đà Nẵng luôn coi trọng, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, coi đó như sợi chỉ đỏ và là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Để thực hiện chiến lược này, những năm qua, Đại học Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên các trụ cột cơ bản đó là: tăng cường gắn kết với các trường THPT về giáo dục STEM và ngoại ngữ để nâng cao chất lượng đầu vào; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng hiệu quả đầu ra; chú trọng gắn kết với các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối cung - cầu nguồn nhân lực, xây dựng, góp ý và phản biện khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đóng góp phát triển vùng và đất nước.

Thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có “từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, Đại học Đà Nẵng đã quyết liệt chỉ đạo các trường thành viên mở thêm các chương trình tiên tiến, liên kết quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, khuyến khích hỗ trợ sinh viên trau dồi ngoại ngữ, đáp ứng khung trình độ năng lực ngoại ngữ quốc gia, tối thiểu đạt chuẩn đầu vào, đầu ra.

Đại học Đà Nẵng phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về phát triển các ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa năm 2022.

Trường Đại học Kinh tế công bố Báo cáo kinh tế thường niên và các kịch bản tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng các năm 2023, 2024. Đại học Đà Nẵng ký kết, triển khai hợp tác toàn diện với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội… trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần phát triển các ngành mũi nhọn cho đất nước. Hiệu quả thiết thực từ hợp tác đại học - doanh nghiệp cho thấy nhiều lợi ích chung trong các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Sinh viên được hỗ trợ, cấp học bổng và có thêm nhiều cơ hội thực tập, phát triển nghề nghiệp, có việc làm và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các trường được tăng cường trang thiết bị thực hành, thí nghiệm từ sự đồng hành của doanh nghiệp.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn không ít trường đại học có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ, đơn ngành; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên còn thiếu, chưa đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, cần sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) nhất là trong liên kết vùng về giáo dục đào tạo sẽ góp phần hiện thực chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, chủ trương, nhiệm vụ phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia được nêu trong các Nghị quyết số 26-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành “trung tâm kinh tế - xã hội lớn”, “trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” của vùng và cả nước. Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đảm nhận tốt sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

HẢI ĐĂNG

.