Trước diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, các ngành chức năng, địa phương tăng cường phòng dịch ở các điểm di tích, văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Du khách vệ sinh tay bằng nước diệt khuẩn trước khi vào tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo báo cáo của Bảo tàng Đà Nẵng, lượng khách đến bảo tàng sụt giảm mạnh 70-80% so với dịp Tết (dịp Tết 4.310 lượt khách). Tương tự, Danh thắng Ngũ Hành Sơn giảm 60% lượng khách so với dịp Tết (dịp Tết 42.217 lượt khách); Bảo tàng Điêu khắc Chăm giảm 30-40% so với dịp Tết (dịp Tết 5.600 lượt khách)… Tuy lượng khách giảm nhưng đây vẫn là những điểm đến của người dân và du khách nên công tác phòng, chống dịch được các đơn vị đặc biệt quan tâm.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ngay từ những ngày đầu thông tin dịch bệnh được công bố trên các phương tiện truyền thông, Ban Giám đốc Bảo tàng đã chủ động trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với du khách như: bảo vệ, nhân viên bán vé, cán bộ thuyết minh…
“Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điểm tiếp đón khách du lịch từ nhiều quốc gia khác nhau nên chúng tôi hết sức lo ngại. Là điểm đến tham quan nên thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bảo tàng vẫn mở cửa phục vụ du khách bình thường và vấn đề phòng dịch tiếp tục được tăng cường như phát khẩu trang miễn phí cho du khách và khuyến cáo rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào tham quan”, ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng là thành phố du lịch nên lượng khách tham quan trong thời gian này vẫn gồm khách Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…; do đó, bảo tàng mở cửa đón khách. Tuy nhiên, những hoạt động công chúng tại bảo tàng được dừng lại và bảo tàng tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, quận Sơn Trà tạm dừng lễ hội cầu ngư cấp quận dự kiến diễn ra vào tháng 2 âm lịch tại phường Thọ Quang (riêng phần lễ dân vạn chài thực hiện theo nghi thức truyền thống). Với chùa Linh Ứng Sơn Trà, đây là điểm đến tâm linh nên người dân vãn cảnh chùa, thắp hương lễ Phật không thể cấm đoán.
“Chúng ta không cấm người dân và du khách đến các điểm đó. Do đó, tại chùa Linh Ứng, riêng về lễ cầu an, chúng tôi đã trao đổi với Ban Trị sự chùa năm nay tổ chức quy mô nhỏ, các đạo hữu khi đến phải đeo khẩu trang, thực hiện hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh đúng quy định. Tại điểm tham quan này cũng đã tiến hành phát khẩu trang y tế miễn phí cho khách”, ông Nguyễn Đắc Xứng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng nhìn nhận, lượng khách tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn giảm mạnh nhưng vẫn có khách. Điều lo lắng là không chỉ đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn tiếp xúc trực tiếp với du khách mà còn các cơ sở kinh doanh, buôn bán xung quanh danh thắng khá đông.
“Thực tế thì lượng khách đoàn đã giảm mạnh. Hiện trong thời điểm tháng Giêng nên rải rác có khách hành hương viếng chùa, lễ Phật, cầu an, cầu siêu. Chúng tôi chỉ đạo Ban Quản lý danh thắng đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động và du khách; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đến nơi đông người vào thời điểm này”, ông Nguyễn Hòa cho biết.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các di tích, danh thắng hoạt động bình thường Ngày 6-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra công điện với nội dung: Thực hiện Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 6-2-2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra việc dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc, giảm hẳn quy mô các lễ hội đang diễn ra và dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các địa phương công bố dịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Theo TTXVN |
NGỌC HÀ