'Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang'

.

“Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang” không chỉ là thông điệp Bộ Y tế vừa phát đi mà còn là góc nhìn độc đáo qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Lê Sa Long nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên đeo khẩu trang đúng cách để phòng tránh lây nhiễm Covid-19.

Họa sĩ Lê Sa Long bên các bức tranh thuộc dự án mỹ thuật Khẩu trang và người nổi tiếng. Ảnh: NAM BÌNH
Họa sĩ Lê Sa Long bên các bức tranh thuộc dự án mỹ thuật Khẩu trang và người nổi tiếng. Ảnh: NAM BÌNH

Mới đây, những bức vẽ trong dự án mỹ thuật Khẩu trang và người nổi tiếng của họa sĩ Lê Sa Long (hội viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Đồ họa Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) được công chúng nồng nhiệt đón nhận ngay khi tác giả vừa “trình làng” trên trang facebook cá nhân. Các tác phẩm được vẽ theo khổ 60x80cm bằng chất liệu pastel và sơn dầu không chỉ phác họa đặc sắc thần thái nhân vật mà còn gắn với tinh thần đương đại - Covid-19 đã thay đổi thói quen đeo khẩu trang.

Hơn 30 chân dung người nổi tiếng trong và ngoài nước khá quen thuộc với công chúng như: nhà bác học thiên tài Albert Einstein, anh hùng dân tộc Cuba Che Guevara, “phù thủy công nghệ” Steve Jobs, diễn viên võ thuật Lý Tiểu Long, nghệ sĩ Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đen Vâu… gắn với chiếc khẩu trang như vật bất ly thân.

Với mỗi nhân vật, anh đều dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu nhiều nguồn, thậm chí nhờ sự tư vấn, trợ giúp từ bạn bè để có thể thể hiện rõ nét dấu ấn cá nhân từng người. “Vẽ chân dung các nhân vật này với tôi không khó, cái khó là tìm ra câu chuyện ẩn giấu sau chiếc khẩu trang để công chúng có thể nhìn thấy cá tính của họ”, anh tâm sự.

Sau khi giải quyết xong “bài toán” ý tưởng, anh dồn tâm huyết lột tả thần thái của nhân vật khi chỉ có nửa gương mặt hiện diện bên ngoài, đặc biệt chú trọng đôi mắt.

Thành quả của niềm đam mê sáng tạo là những bức chân dung vừa chân thật vừa khí chất. Đó là Công nương Diana xinh đẹp dù gương mặt đã che giấu bởi chiếc khẩu trang hhọa tiết đóa hồng kiêu sa trên nền cờ nước Anh. Đó là nhà văn J.K.Rowling được khắc họa với khẩu trang họa hình các nhân vật trong phim nhân vật Harry Potter. Đó là chân dung nhà văn Tô Hoài mộc mạc, hiền hậu cùng chiếc khẩu trang có hình ảnh các chú dế mèn. Đó là danh hài Hoài Linh đeo khẩu trang có chữ “Quảng Nam” - tựa đề bài thơ nhân vật sáng tác và bán đấu giá được 700 triệu đồng ủng hộ vùng tâm dịch Quảng Nam- Đà Nẵng.

Các bức tranh đều vẽ chân dung cá thể, riêng bức Tứ đại mỹ nhân đến Sài Gòn mùa dịch là điểm nhấn thú vị của bộ tranh khi thể hiện cùng lúc 4 người đẹp lịch sử mỹ thuật thế giới, gồm: Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci (Ý), Thần Vệ nữ sinh ra từ biển của danh họa Sandro Botticelli (Ý), Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của họa sĩ Johannes Vermeer (Hà Lan) và nữ họa sĩ người Mehico Frida Kahlo - biểu tượng của nữ quyền. Phong cảnh phía sau là cảnh đêm Sài Gòn với biểu tượng tháp Landmark 81 cùng tòa nhà Bitexco ẩn hiện dưới nền trời theo phong cách vẽ của danh họa Vincent van Gogh (Hà Lan).

Góp phần tuyên truyền bằng nghệ thuật

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án trên, họa sĩ gốc Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, anh nhận được đơn đặt hàng từ một người khách nước ngoài để tặng bạn nhân dịp sinh nhật. Yêu cầu nhân vật phải mang khẩu trang để phù hợp tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, điểm nhấn của chiếc khẩu trang là hình chú chó yêu quý của nhân vật - người bạn duy nhất sau khi người vợ qua đời. Thời điểm tháng 7-2020, Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam, anh liền nảy ý tưởng vẽ chân dung người nổi tiếng cùng chiếc khẩu trang với mong muốn góp sức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần phòng, chống Covid-19.

“Nhiều nghệ sĩ đường phố trên thế giới đã vẽ tranh tường với nhân vật đeo khẩu trang để kêu gọi người dân cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, họ chỉ vẽ đơn giản hoặc vẽ những người bình thường. Nhưng như vậy thì chưa đủ để tạo ấn tượng với công chúng cũng như lan tỏa thông điệp hưởng ứng đeo khẩu trang. Vì vậy, tôi quyết định vẽ những người có tầm ảnh hưởng hoặc truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng”, họa sĩ Lê Sa Long bày tỏ.

Trước đó, bức tranh Chuyện về những trái tim dũng cảm (không nằm trong dự án Khẩu trang và người nổi tiếng) của họa sĩ Lê Sa Long cũng nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Tinh thần đoàn kết dân tộc được tác giả khắc họa tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường nét, từ các nhà khoa học đang bận rộn nghiên cứu vắc-xin, nhóm bác sĩ tập trung phân tích phim chụp X-quang hoặc chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế cẩn trọng khử trùng xe cứu thương đến quang cảnh nhộn nhịp ở ATM gạo...

Qua những tác phẩm mỹ thuật công phu của mình, họa sĩ Lê Sa Long mong muốn người dân nâng cao ý thức phòng dịch, đồng thời hy vọng lan tỏa năng lượng tích cực, lạc quan. Dự kiến, bộ tranh sẽ được triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 9. Nếu tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, họa sĩ Lê Sa Long sẽ phối hợp cùng trang Duyên dáng Việt Nam (duyendangvietnam.net.vn) tổ chức triển lãm online. Các tác phẩm sẽ được đấu giá và trích 50% số tiền quyên góp quỹ phòng, chống Covid-19.

Họa sĩ Lê Sa Long sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1999. Gắn bó gần 30 năm với nghề, anh từng đoạt giải nhì cuộc thi Vẽ về đất nước, con người Romania (2019), giải nhất cuộc thi Chân dung ký họa màu nước do Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (1999), giải khuyến khích Cúp Rồng Tre 2012…

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.