Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dần hình thành thói quen đọc trực tuyến như một cách để thỏa niềm đam mê với sách.
Phòng đọc điện tử của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng được trang bị đầy đủ các thiết bị điện tử như máy vi tính, máy tính bảng, ti-vi để phục vụ cho nhu cầu của bạn đọc. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Để đáp ứng nhu cầu trên, thời gian qua, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng không ngừng mở rộng để làm phong phú thêm kho sách điện tử. Theo Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Phạm Hồng Thái, hiện nay thư viện thành phố đã liên kết với 24 thư viện của các tỉnh, thành khác nên tài liệu rất phong phú, đáp ứng nhu cầu bạn đọc ở mọi lứa tuổi.
Việc mượn và đọc sách trực tuyến rất đơn giản, bạn đọc chỉ cần làm thẻ đọc tại thư viện với mức giá 10.000 đồng, thời hạn trong 1 năm và có thể gia hạn tiếp, sau đó là có thể thoải mái đọc kho tàng sách online của thư viện hoàn toàn miễn phí. Với những người có thói quen đọc sách truyền thống, cũng có thể sử dụng thẻ đó để đến đọc trực tiếp hoặc mượn sách về nhà trong 1 thời gian nhất định.
Cũng theo ông Thái, trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố, nhu cầu đọc sách online của người dân tăng lên nhiều. Hiện qua các trang liên kết của thư viện gồm sachdientu và thuviendientu, chỉ trong thời gian 1 tháng (từ 14-8 đến 14-9), tổng lượng người truy cập vào 2 trang trên lên đến gần 30.000 lượt. Từ ngày thư viện mở cửa trở lại (từ ngày 7-9) đến nay, mặc dù đã dần có bạn đọc trực tiếp đến thư viện để đọc và mượn sách nhưng nhu cầu đọc sách online của người dân vẫn rất lớn, với 200 lượt người đọc và hơn 700 đầu sách được mượn và trả.
Nguyễn Hạnh Duyên (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, hơn 1 tháng qua, tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể đến thư viện của trường hay nhà sách để tìm kiếm tài liệu học tập, Duyên thường lên website của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng mượn sách về nghiên cứu thêm.
Tương tự, chị Hách Thị Phượng, giáo viên tin học Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận Sơn Trà) thường xuyên mượn sách trên trang web điện tử của Thư viện Khoa học Tổng hợp vì có nhiều tài liệu bổ ích, phục vụ đúng nhu cầu của mình và có thể dễ dàng chia sẻ với nhiều người qua các đường link. Bên cạnh đó, trang web của thư viện được thiết kế phân loại theo từng chuyên mục hoặc có thể tìm bằng từ khóa nên rất tiện lợi, dễ dàng tìm kiếm tài liệu.
Được biết, hiện nay trên các trang web của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng có 6.392 tài liệu điện tử, đến từ những nhà xuất bản uy tín như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Đại học Huế… Mỗi cuốn sách điện tử sẽ có từ 3 đến 5 bản để bạn đọc có thể mượn trong thời gian cố định (5 ngày) và có thể gia hạn thêm trên hệ thống. Với những sách thư viện chưa kịp cập nhật, bạn đọc vẫn có thể mượn từ các thư viện điện tử của các tỉnh, thành khác thông qua sự hỗ trợ của thư viện thành phố. Từ cuối năm 2017, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đã được tập đoàn Samsung đầu tư hơn 7 tỷ đồng để đưa vào sử dụng Phòng đọc điện tử với 11 máy tính để bàn, 16 máy tính bảng và 6 tivi màn hình lớn, trong một không gian rộng rãi, yên tĩnh để phục vụ cho bạn đọc đến tra cứu thông tin và học sinh, sinh viên tới học nhóm.
Hiện Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đang thực hiện đề án Văn hóa đọc, trực tiếp về các trường trên địa bàn thành phố để làm thẻ thư viện miễn phí cho các học sinh. Để tiện lợi thì thẻ này sẽ liên kết với thư viện của 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố, giúp các em dễ dàng dễ dàng và tiết kiệm thời gian tìm kiếm tài liệu học tập. “Thư viện điện tử là xu thế phù hợp với thời đại công nghệ số. Song song với đọc sách truyền thống, chúng tôi sẽ nỗ lực tập trung đổi mới phương thức phục vụ, phương thức liên kết nguồn thông tin và công tác tuyên truyền, quảng bá để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện cũng như văn hóa đọc của người dân thành phố”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ.
XUÂN DŨNG