Văn hóa - Giải trí

Đưa nghệ thuật hô hát bài chòi vào trường học

13:14, 13/09/2022 (GMT+7)

Nhằm lan tỏa giá trị di sản hô hát bài chòi Đà Nẵng đến học sinh, ngành văn hóa cùng ngành giáo dục vừa tổ chức lớp tập huấn loại hình nghệ thuật này cho giáo viên âm nhạc các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng như giúp nghệ thuật bài chòi tiếp tục song hành cùng đời sống đương đại.

Các giáo viên biểu diễn tiết mục hô hát bài chòi trong lễ tổng kết khóa tập huấn do ngành văn hóa, ngành giáo dục và đào tạo thành phố phối hợp tổ chức. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các giáo viên biểu diễn tiết mục hô hát bài chòi trong lễ tổng kết khóa tập huấn do ngành văn hóa, ngành giáo dục và đào tạo thành phố phối hợp tổ chức. Ảnh: XUÂN DŨNG

Nghệ thuật hô hát bài chòi ở Đà Nẵng là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Loại hình nghệ thuật này tồn tại chủ yếu dưới hình thức CLB bài chòi dân gian tại các quận, huyện và nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của đại bộ phận người dân địa phương.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Ngô Văn Bảy cho biết, những năm qua, để bảo tồn di sản bài chòi, thành phố đã lồng ghép loại hình nghệ thuật này vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố; thường xuyên tổ chức hội chơi bài chòi vào các tối thứ Bảy và Chủ Nhật ở bờ đông cầu Rồng… Qua đó, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách, từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi, nhất là đến thế hệ trẻ, ngành văn hóa cùng ngành giáo dục phối hợp tổ chức lớp tập huấn trong 5 ngày cho hơn 100 giáo viên âm nhạc các trường tiểu học. Tại khóa tập huấn, các học viên được những nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu truyền dạy những kiến thức về các hình thức diễn xướng ở duyên hải miền Trung của hô hát bài chòi; lịch sử hình thành và phát triển bài chòi vùng duyên hải nam Trung bộ; cách hô hát các làn điệu chính gồm: xuân nữ, xàng xê, nam xuân và hò Quảng cũng như xây dựng các tiết mục biểu diễn.

Theo Ban tổ chức, tập huấn là cơ hội để các nghệ nhân truyền tải kinh nghiệm, cái hay, đẹp, hấp dẫn và cả sự đam mê nghệ thuật bài chòi cho học viên. Thông qua đó, lan tỏa giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng tới thế hệ học sinh. Tham gia khóa tập huấn, cô Đào Ngọc Ánh Tuyết, giáo viên âm nhạc Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) chia sẻ, lớp tập huấn là hoạt động rất bổ ích, được giáo viên bộ môn âm nhạc của các trường nhiệt liệt hưởng ứng.

Những nghệ sĩ tham gia giảng dạy cũng rất tâm huyết, hướng dẫn dễ hiểu. Hiện nay, trong nội dung giảng dạy môn âm nhạc của Trường tiểu học Võ Thị Sáu có một số tiết về dân ca các vùng miền. Trong đó có 2 tiết dạy dân ca địa phương, nên việc tổ chức khóa tập huấn này là việc rất hay và ý nghĩa. “Sau khi kết thúc khóa tập huấn, tôi vẫn tự tập luyện, tìm hiểu thêm ở nhà để “hát tốt” hơn. Từ đó, sớm đưa nội dung này vào giảng dạy cho các em học sinh”, cô Tuyết cho biết.

Sau đợt tập huấn này, ngành giáo dục các quận, huyện sẽ chọn trường, đăng ký xây dựng CLB điển hình ở mỗi địa phương. Trước mắt là tập huấn cho đội ngũ giáo viên các trường học, sau đó sẽ tiến tới xây dựng các CLB bài chòi trong trường học. Trường nào có nhu cầu thành lập CLB, đủ điều kiện về số lượng học sinh tham gia thì sẽ được các nghệ sĩ, CLB bài chòi hỗ trợ tập huấn, giảng dạy.

Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chiến cho biết, hai năm trước đây, ngành giáo dục cùng ngành văn hóa đã phối hợp, tổ chức khóa tập huấn cho giáo viên các trường về hô hát bài chòi. Sau đó, tổ chức hội thi cho các em học sinh tham gia. Khóa tập huấn năm nay là một dịp tốt đến củng cố kiến thức, giúp các trường lồng ghép loại hình nghệ thuật này vào các tiết dạy âm nhạc và xây dựng những tiết mục biểu diễn cho học sinh.

“Năm nay, quận Liên Chiểu có 12 giáo viên của 12 trường tham gia tập huấn. Giáo viên đã cơ bản nắm được kiến thức nền tảng của nghệ thuật bài chòi. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng đã đề nghị các trường nghiên cứu, chuẩn bị tiết mục từ bây giờ để sẵn sàng tham gia vào các liên hoan, hội thi của quận cũng như thành phố tổ chức vào đầu năm sau”, ông Chiến chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, năm 2017, UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc, độc đáo của loại hình nghệ thuật này, càng có ý nghĩa hơn trong việc tôn vinh những giá trị truyền thống mà thành phố đang cố gắng gìn giữ và phát huy.

Việc tổ chức lớp tập huấn này dành cho các giáo viên, hạt nhân tại các trường tiểu học cơ sở trên địa bàn thành phố là thiết thực và cần thiết, góp phần tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng. Qua quá trình học, Ban tổ chức thống nhất lựa chọn 7 cá nhân học viên tiêu biểu xuất sắc trong việc tham gia lớp tập huấn, có tinh thần học nghiêm túc, đóng góp vào việc dàn dựng báo cáo tiết mục kết thúc; có 92 học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn hô hát bài chòi thành phố, giai đoạn 2022-2023.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm, tham gia, góp phần cùng các nghệ nhân trao truyền cho thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Chúng tôi hy vọng, các giáo viên tiếp tục đem những kiến thức, làn điệu truyền đạt lại cho thế hệ mầm non tiếp thu, gìn giữ và phát huy tối đa giá trị nghệ thuật bài chòi của địa phương”, bà An bày tỏ.

XUÂN DŨNG

.