Đà Nẵng cuối tuần

'Giữ lửa' đam mê nghệ thuật lân sư rồng

05:26, 11/09/2022 (GMT+7)

“Khi biểu diễn ở Đà Nẵng, khách hàng yêu cầu cao hơn nên đòi hỏi mình phải nâng cao chất lượng. Bài diễn phải được luyện tập kỹ càng để làm hài lòng khách. Mỗi bài múa không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của đoàn lân mà còn là hình ảnh của công ty và khách hàng”, anh Trần Thiên Bình, Trưởng đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường chia sẻ.

Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường biểu diễn phục vụ Tết Trung thu. Ảnh: Đ.G.H
Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường biểu diễn phục vụ Tết Trung thu. Ảnh: Đ.G.H

Với niềm đam mê múa lân từ nhỏ, anh Trần Thiên Bình (SN 1988, ở Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã thành lập Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường đến nay được 4 năm và là chi nhánh của Đoàn lân sư rồng Khải Uy (Thành phố Hồ Chí Minh) tại Quảng Nam được 2 năm. Cứ mỗi dịp Tết Trung thu, đoàn lân lại tất bật và rộn ràng với các suất diễn ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh, thành lân cận. Nhưng để có được đoàn lân sư rồng chuyên nghiệp như ngày hôm nay là một câu chuyện đầy thử thách và gian khó từ những ngày đầu thành lập.

Vượt khó để thỏa đam mê

Chia sẻ về việc thành lập đoàn lân, anh Trần Thiên Bình cho biết: “Ban đầu là vì yêu thích màu sắc của những chú lân và những động tác di chuyển cùng tinh thần thượng võ của các võ sinh. Đoàn lân ra đời vào ngày 9-9-2018 đã tạo cho tụi nhỏ ở địa phương có một sân chơi lành mạnh và bổ ích. Trong quá trình thành lập, đoàn lân cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí mua sắm dụng cụ lân sư rồng, sân tập, lực lượng biểu diễn”.

Anh Trần Thiên Bình biết đến múa lân khi còn học lớp 4 do một người bạn cùng xóm có chú làm chủ một cơ sở sản xuất lân và tặng cho một chú sư tử. Từ đó, trẻ em trong xóm tụ tập lại cùng nhau luyện tập để tham gia rước đèn Trung thu.

Nhưng lúc đó cũng chỉ là một sân chơi mang tính phong trào của xóm nhằm tạo niềm vui cho các em nhỏ trong ngày hội đêm rằm. “Hồi nhỏ, tôi thường tiết kiệm tiền ăn sáng và ăn vặt để mua những chiếc đĩa DVD, VCD do Hằng Anh Đường sản xuất và chỉ thấy hình ảnh những chú lân, sư tử, rồng thông qua màn hình nên khi được cầm trên tay chú sư tử, tôi rất thích thú và hạnh phúc.

Đặc biệt, đây là sản phẩm đầu tiên của cơ sở sản xuất. Sau bao nhiêu năm tham gia cùng đội lân xóm và đội lân do gia đình phật tử Bồng Lai, tôi nhận ra rằng, đây mới chỉ là phong trào cho vui. Do đó, tôi nghĩ tới việc tạo dựng một đoàn lân cho riêng mình theo hướng chuyên nghiệp hơn để phục vụ các chương trình khai trương, khánh thành. Nhưng trên hết là tạo sân chơi lành mạnh cho các em để tránh xa các tệ nạn xã hội”, anh Bình kể.

Những ngày đầu mới thành lập, Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường chỉ có 15 người tham gia, chủ yếu là các em nhỏ. Nhiều em tham gia để thể hiện niềm đam mê với bạn bè nên chưa có ý thức tập luyện nghiêm túc và đôi khi chưa chịu nghe lời trưởng đoàn. Những lúc đó, anh Trần Thiên Bình phải khôn khéo trong cách ứng xử để khuyên nhủ các em.

“Tôi đứng trên vai trò của một người anh để lắng nghe, tâm sự, trò chuyện, chứ không phải với vai trò của người trưởng đoàn hay chủ đoàn lân. Đặc biệt, đoàn lân còn gặp khó khăn về sân tập luyện. Thông thường, trước khi chuẩn bị đi biểu diễn và thi đấu, đoàn lân phải tập luyện tích cực cả ngày lẫn đêm, nhưng điều đó lại làm cho hàng xóm không thích vì ồn ào do tiếng trống, tiếng xã, tiếng lố nên phải chuyển địa điểm tập luyện thường xuyên”, anh Bình giải thích.

Đến nay, Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường có gần 30 thành viên độ tuổi 15-25, bao gồm học sinh, sinh viên và một số người đã đi làm. Hầu hết các thành viên đến với đoàn vì đam mê múa lân. Các thành viên sẽ được nhận lương sau khi hoàn thành buổi diễn. Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí xe cộ, ăn uống thì giữ lại một ít để mua sắm dụng cụ, áo quần, giày và dành làm lệ phí đi thi đấu, giao lưu trong và ngoài tỉnh.

Tạo sân chơi lành mạnh cho các em

Để có một buổi thi đấu thành công cho một mùa giải, Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường phải luyện tập trước một tháng từ 18 giờ 30 đến 23 giờ hằng đêm. Những ngày gần thi thì cường độ tập luyện cao hơn. Trong lúc đó, nhiều thành viên thường gặp chấn thương nhưng với tinh thần đoàn kết và niềm đam mê, họ vẫn động viên lẫn nhau để tiếp tục luyện tập. Còn chuẩn bị cho mùa biểu diễn Tết Trung thu, đoàn phải tập dượt trước hơn hai tháng.

Theo anh Bình: “Múa lân khó nhất là tập luyện trên Mai Hoa Thung. Muốn con lân đẹp và có thần thái thì mình chú ý vào hình thái lân và tấn pháp. Đoàn lân hoạt động chủ yếu biểu diễn cho các công ty, cửa hàng vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.

Trung Thu năm nay, khách đa phần chọn ngày 14-8 âm lịch nên đoàn chủ yếu nhận diễn ở thành phố Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Quảng Nam như huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, Tam Kỳ”.

Sau 4 năm thành lập, đến nay Đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường đã gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ như: Top 6 Ngày hội lân Huế lần 1 năm 2018, top 15 Lân địa bửu Giải lân sư rồng quốc tế Sun World Đà Nẵng năm 2019, top 4 lân lên Mai Hoa Thung của Ngày hội lân Huế lần 3 năm 2020, top 5 lân địa bửu của Ngày hội lân Huế lần 3 năm 2020.

“Bản thân tôi học chuyên ngành kế toán nên cũng thuận lợi trong việc quản lý tài chính của đoàn. Tuy nhiên, khi giải quyết công việc, tôi đều hỏi ý kiến tụi nhỏ để có sự đồng thuận cao trong anh em. Làm quản lý, điều hành một đoàn lân lớn như vậy khá mệt mỏi nhưng mà cũng vui. Mệt là do mỗi em một cá thể riêng biệt nên cái tôi rất lớn, trẻ con cũng hay tranh cãi nhau, thậm chí còn đánh nhau. Nhưng chúng cũng nhanh làm hòa. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy rất vui vì được nhìn thấy tụi nhỏ lớn lên mỗi ngày và biết nghe lời. Đặc biệt, thông qua hoạt động tập luyện múa lân sư rồng, tụi nhỏ cũng bớt gây lộn nhau ngoài đường và tránh xa các tệ nạn xã hội”, anh Trần Thiên Bình cho biết thêm.

ĐOÀN GIA HUY

.