Đà Nẵng cuối tuần

TẾT TRUNG THU

Âm vang tiếng trống Đọi Tam

05:29, 11/09/2022 (GMT+7)

Khi những cửa hiệu bánh Trung thu bắt đầu bày bán trên phố thì cơ sở trống Nam Hà của ông Nguyễn Văn Hiểu (tổ 5 phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng tất bật với công việc làm trống lân phục vụ Tết Trung thu. Những chiếc trống còn thơm mùi gỗ mít với tiếng vang đanh, báo hiệu một mùa ăn nên làm ra cho gia đình ông.

Ông Nguyễn Văn Hiểu bưng mặt trống lân. Ảnh: Đ.H.L
Ông Nguyễn Văn Hiểu bưng mặt trống lân. Ảnh: Đ.H.L

Đi ra từ làng trống nổi tiếng Đọi Tam (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), ông Nguyễn Văn Hiểu (SN 1963) trở thành người làm trống có tiếng ở đất Đà thành, không chỉ giàu kinh nghiệm làm nghề gia truyền mà còn có khả năng sản xuất nhiều loại trống từ trống lân đến trống trường, trống tộc…

“Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”

Vừa tỉ mỉ căn chỉnh mặt trống, ông Hiểu bồi hồi kể: “Năm 13 tuổi, tôi đã biết làm trống. Đây là nghề cha truyền con nối nên ngay từ nhỏ, tôi đã xem ông cha làm trống rồi ngấm vào người lúc nào không hay. Lâu dần thành quen, chứ không phải học hành gì nhiều. Nhà tôi, ai học chữ được thì đi làm Nhà nước, còn ai không đi học thì theo nghề bố. Cái nghề này rải khắp cả nước. Tôi là dân di cư vào Đà Nẵng làm ăn rồi mang theo nghề làm trống vào đây!”.

"Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền. Từ xưa, các cụ tổ truyền nghề có giao ước như vậy” 

Ông Nguyễn Văn Hiểu

Ông Hiếu sinh ra ở làng trống cổ truyền Đọi Tam. Đây là cái nôi của nghề được biết đến không chỉ bởi mang hơi thở của lịch sử, mà ẩn chứa trong đó cả nghệ thuật làm trống phục vụ lễ hội. Trước kia, con trai làng Ðọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại trống nhỏ; đến 16, 17 tuổi có thể theo cha anh đi làm trống đại. “Khi mới vào Đà Nẵng năm 1996, mọi thứ ở đây còn mới mẻ nên tôi phải mua gỗ về tự cưa, mua da về thuộc (bào) mỏng để làm trống. Tùy theo nhu cầu khách mà làm mặt trống bằng da trâu hay da bò. Tuy nhiên, da trâu bền hơn da bò, âm thanh da trâu cũng hay hơn và giá thành cũng cao hơn”.

Ðể làm một chiếc trống phải trải qua 3 bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít loại dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ. Gỗ được cắt thành nhiều khúc, sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín, người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Mỗi chiếc trống hoàn thành mất ít nhất 2-3 ngày. Bây giờ có nhiều máy móc hỗ trợ nên ông Hiểu đỡ vất vả hơn.

“Giờ làm theo dây chuyền. Tôi mua một lần mấy khối gỗ rồi cưa ra phơi, đưa vào lò uốn thành khuôn rồi ghép. Mình đặt các tấm gỗ các xưởng cưa họ bán theo quy cách và tính theo khối lượng, mỗi khối khoảng 25 triệu đồng rồi đem về uốn cong. Trống chỉ làm được từ gỗ mít vì không bị mo vênh và giãn. Hiện gỗ mít có 2 loại: lõi mít màu vàng dùng để làm trống, còn gỗ rác màu trắng thì không làm được vì nhanh hư trống”, ông Hiểu giải thích. Cũng theo ông Hiểu, trống hay hay dở là do kỹ thuật của tay nghề người bịt, mỗi loại trống có mỗi tiếng khác nhau như trống trường có âm thanh khác trống nhạc. Trống lân sẽ có âm vang và đanh hơn trống trường và trống tộc. Trước khi làm trống, phải ngâm cho da mềm, nếu còn cứng và dày thì phải bào lại, nhưng cũng không được mỏng quá sẽ nhanh hỏng.

Công đoạn bưng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang. Trải qua hàng trăm năm, những nghệ nhân làm trống ở Đọi Tam đúc kết rằng: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”. Có nghĩa là, da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt và kêu vang.

Tuy nhiên, ông Hiểu cho biết: “Khó nhất là công đoạn ghép trống. Trong các loại trống thì trống đồng là khó làm nhất. Ngày xưa, họ đúc trống còn bây giờ thì làm giả, rồi sơn màu cho giống. Nhưng, nghề dạy nghề, chẳng có gì khó cả, từ thực tế mà luyện thành”.

Giữ nghề trên đất khách

Hiện nay, cơ sở trống Nam Hà chỉ có 3 người trong gia đình ông Hiểu làm trống. Vào mùa Trung thu, gia đình ông bận rộn với các đơn hàng, còn bình thường mấy bố con ông chỉ làm lai rai, mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ 8 tiếng. Cũng may là có mặt bằng sản xuất nên giảm bớt chi phí đầu vào. Trống ông làm ra đa phần dùng cho lễ hội. Mỗi lần có lễ hội, nhiều nơi đặt mua mấy chục cái với các loại khác nhau, giúp gia đình ông thu nhập khá ổn định (khoảng 10 triệu/tháng).

Anh Nguyễn Văn Độ kiểm tra âm thanh trống lân sau khi hoàn chỉnh. Ảnh: Đ.H.L
Anh Nguyễn Văn Độ kiểm tra âm thanh trống lân sau khi hoàn chỉnh. Ảnh: Đ.H.L

“Ông bà ta nói “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Dù không phát triển lắm nhưng nghề này không sợ mai một vì nước mình dùng trống rất nhiều do có nhiều lễ hội, đền chùa, miếu mạo… Để theo nghề, trước hết phải yêu nghề. Nếu không đi học chữ được thì học nghề khác cũng không bằng nghề truyền thống của mình. Ngày xưa cơ sở có thuê một số công nhân trẻ từ ngoài quê vào làm, vừa làm vừa dạy cho các cháu nhưng rồi chúng cũng bỏ đi hết. Bây giờ dù cơ sở không có người làm nhưng thuê thợ lương cao mình không trả nổi”, ông Hiểu chia sẻ.

Đi ra từ làng nghề trống truyền thống, ông Hiểu lấy nghề gia truyền để mưu sinh và dần dần nâng cao tay nghề. Mỗi lần thấy khách hàng sử dụng trống mình làm ra, ông Hiểu luôn tự hào về thương hiệu trống Nam Hà của mình gây dựng. Trong 2 năm Covid-19, dù không bán được trống nhưng cơ sở vẫn làm sẵn các công đoạn căn bản để khi có đơn hàng thì hoàn thiện cho nhanh. Hiện ở Đà Nẵng chỉ có cơ sở của ông Hiểu làm được các thể loại trống, đặc biệt trống hội được khách hàng khắp cả nước đặt hàng mua, nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ và các tỉnh Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai…

Ông Hiểu rất yên tâm khi có con trai nối nghề. Chia sẻ về nghề, anh Nguyễn Văn Độ (SN 1992) cho biết: “Tôi theo nghề ba từ năm 18 tuổi, đến nay cũng được hơn 10 năm. Thấy ba làm từ nhỏ nên tôi cũng quen việc. Sau này, tôi lớn lên, ba chỉ bày cho những bí quyết cơ bản để làm sao cho ra sản phẩm hoàn chỉnh bền đẹp. Nghề này khá vất vả. Nhưng nhà có nghề sẵn thì mình làm. Cũng có lúc muốn bỏ nghề vì nghĩ nếu sau này một mình làm thì không nổi vì phải trải qua nhiều công đoạn. Bây giờ có gia đình cùng làm nhưng không biết có giữ lâu dài được hay không. Nếu sau này lập gia đình, tôi cũng để con cái mình quyết định tương lai nghề nghiệp chứ không ép. Bản thân tôi, ba tôi cũng không ép buộc; tự mình thấy yêu thích và cần thiết thì làm để kiếm sống”.

Còn ông Hiểu lạc quan khẳng định: “Có nghề là có việc để làm. Không có hàng thì mình nghỉ ngơi. Làm nghề trống, mình luôn chủ động được công việc. Đặc biệt, chủ yếu làm trong nhà, không phải ra ngoài trời nên cũng không quá nặng nhọc như nhiều ngành nghề khác”.

Để có một sản phẩm bền và đẹp, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Mỗi chiếc trống được ông Nguyễn Văn Hiểu làm ra như thể một đứa con tinh thần, bởi ông luôn dồn hết công sức, sự tỉ mỉ qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa vào chiếc trống. Tuy trong thời đại công nghiệp phát triển, những chiếc trống truyền thống dần trở nên bão hòa và bị thay thế bởi những âm thanh điện tử, nhưng với tình yêu nghề, dù ở đất khách quê người, tiếng trống Đọi Tam của quê hương ông vẫn được phát triển và vang xa khắp mọi miền Tổ quốc.

Làng trống Ðọi Tam ở xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, có khoảng hơn 1.000 năm với tổ nghề là ông Nguyễn Ðức Năng và ông Nguyễn Ðức Bản. Truyền thuyết kể rằng, năm 986, được tin vua Lê Ðại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em cụ Năng và cụ Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm. Trống sấm chỉ dành cho cánh đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện. Thợ làng Ðọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường, trống Trung thu...

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.