Đà Nẵng cuối tuần

TẾT TRUNG THU

Lưu giữ hương vị bánh Trung thu truyền thống

05:29, 11/09/2022 (GMT+7)

Mỗi năm, cứ đến độ rằm tháng 8, dưới ánh trăng tròn, mọi người lại cùng nhau nô nức xem múa lân, rước đèn ông sao. Trong niềm vui ấy không thể thiếu những chiếc bánh Trung thu - một phần làm hoàn thiện mâm cỗ mùa trăng, mang đậm hương vị tình thân, tình đoàn viên.

Chủ Tiệm trà bánh Sen’s House Lotus Nguyễn Hạnh hào hứng khi mẻ bánh Trung thu mới ra lò và chuẩn bị đến tay khách hàng. Ảnh: THANH TÌNH
Chủ Tiệm trà bánh Sen’s House Lotus Nguyễn Hạnh hào hứng khi mẻ bánh Trung thu mới ra lò và chuẩn bị đến tay khách hàng. Ảnh: THANH TÌNH

Để có được những chiếc bánh Trung thu nhỏ xinh, thơm ngon ấy là tâm huyết, sự chỉn chu, tỉ mẩn của người làm bánh. Chính họ đã góp phần lan tỏa giá trị truyền thống của Tết Trung thu.

Kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại

Tại căn nhà nhỏ ở 125/28B Ngô Gia Tự (quận Hải Châu), cả chủ lẫn nhân viên Tiệm trà bánh Sen’s House tất bật làm bánh, gói bánh, chốt đơn giao bánh Trung thu. Chủ tiệm Lotus Nguyễn Hạnh (tên thật Nguyễn Thị Hạnh, 29 tuổi) cho biết, để làm ra những chiếc bánh ngon, đẹp mắt đòi hỏi sự chỉn chu của người làm trong tất cả các công đoạn, từ chọn nguyên liệu, sên nhân, nhào bột, đến tạo khuôn hình, nướng bánh.

Chị Hạnh cho hay: “Tôi đến với nghề làm bánh là duyên. Lúc đầu, tôi chỉ làm bánh vì đam mê, muốn làm những chiếc bánh ngon, chất lượng, bảo đảm vệ sinh cho gia đình. Sau đó, nhiều người yêu thích, muốn ăn bánh do tôi làm và đặt bánh ngày càng nhiều nên tôi mạnh dạn mở tiệm để thỏa sức sáng tạo cùng bánh. Tiệm trà bánh Sen’s House ra đời từ năm 2016 đến nay và luôn nhận sự phản hồi tích cực từ khách hàng, một phần bởi tiệm đã nỗ lực theo đúng phương châm: Ngon, sạch, chất lượng và dù khách hàng là ai thì tiệm cũng phục vụ như người nhà”.

Mỗi khâu từ khi làm bánh đến lúc ra thành phẩm, chị Hạnh và nhân viên đều thực hiện thủ công (handmade). “Bánh Sen’s House ít ngọt. Không chỉ lưu giữ hương vị bánh Trung thu truyền thống, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, tôi không ngừng sáng tạo, làm ra nhiều bánh có nhân bánh, vỏ bánh bắt mắt, nhiều vị ngon.

Sen’s House hiện có các vị bánh Trung thu đa dạng như: thập cẩm xá xíu chà bông trứng muối, thập cẩm bò trứng muối, sầu riêng trứng muối, tiramisu, lá dứa trứng muối, dừa trứng muối… Tất cả các sản phẩm đều không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng bánh không lâu. Dẫu vậy, vào mỗi mùa Trung thu, Sen’s House luôn “cháy hàng” vì khách tin dùng và đặt nhiều”, chị Hạnh cho hay.

Những ngày này, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Lan (29 tuổi), Chủ tiệm bánh Ngọc Lan (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng tất bật. Chị Lan bộc bạch: “Từ đầu tháng 8 âm lịch đến nay, vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 giờ, con cũng gửi về ngoại để tập trung làm bánh”. Chị Lan cho rằng, sau 2 năm buôn bán đình trệ do dịch bệnh thì năm nay thị trường bánh Trung thu lại sôi động.

Nếu trước đây, bánh của nhà chị Lan hầu hết bán cho những người thân quen, các trường mầm non thì nay chị Lan nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nhà máy, xí nghiệp và nhiều khách hàng lẻ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Gia Lai, Kon Tum… “Mỗi mùa Tết Trung thu, hai vợ chồng lại cùng nhau làm bánh. Trước đây, chồng tôi từng làm việc tại tiệm bánh. Sau khi lập gia đình, biết tôi yêu nghề làm bánh nên anh ủng hộ, tạo điều kiện để tôi mở tiệm, thậm chí còn giúp tôi làm bánh vào mỗi dịp cao điểm”, chị Lan chia sẻ.

Cũng theo chị Lan, nhờ có chồng đỡ đần, chị mới yên tâm sáng tạo ra nhiều mẫu bánh mới phù hợp thị hiếu khách hàng. Ngoài bánh Trung thu truyền thống, chị Lan còn chăm chút hình thức bánh bằng cách tự tay nặn những hình độc đáo, dễ thương như hoa cúc, hoa hồng, lồng đèn, chim, cá hay các hình thú ngộ nghĩnh…

Tiệm bánh Jan Cakes (157 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) của chị Nguyễn Thu Giang (29 tuổi) cũng rộn ràng bởi từ chủ đến nhân viên mỗi người mỗi việc, hối hả làm ra những chiếc bánh Trung thu. Từ cổng đi vào, căn bếp của Jan Cakes ngào ngạt mùi thơm bởi các loại bánh Trung thu vừa ra lò. Chị Giang yêu thích bánh và làm bán online từ hơn 7 năm trước, mãi đến năm 2020 mới mở tiệm để thỏa mãn đam mê.

Tất cả công đoạn được chị Giang và nhân viên làm thủ công, từ việc nấu nước đường, sên mứt, đến làm bánh… “Song song với làm bánh Trung thu truyền thống chuẩn vị, tôi còn sáng tạo thêm các vị mới như: lava trứng chảy, trà xanh trứng muối, Red Velvet nhân chocolate… với mẫu mã bắt mắt nhằm đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng”, chị Giang cho biết.

Dịp Tết Trung thu, bên cạnh những chiếc đèn ông sao rực rỡ thì những chiếc bánh Trung thu giúp lưu giữ được vị Tết Trung thu cổ truyền. Chị Hạnh, chị Lan và chị Giang cũng cho biết, mỗi mùa trăng, mỗi chị tự tay làm ra khoảng 2.000 - 3.000 bánh phục vụ khách hàng. Hầu hết bánh làm ra tới đâu bán hết tới đó và các chị luôn được sự phản hồi tốt về chất lượng cũng như hình thức của sản phẩm.

Làm bánh vì muốn hưởng Trung thu cùng con

Trong tuổi thơ của chị Trương Thị An (39 tuổi), chủ thương hiệu Bếp Cô An (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hầu như không có bóng dáng bánh Trung thu, múa lân, đèn ông sao. Dẫu vậy, chị An vẫn lưu giữ những ký ức đẹp, trong trẻo của những ngày rằm tháng 8 được quây quần bên gia đình.

Chị An kể: “Trung thu hồi đó của chúng tôi không có bánh Trung thu, không có đèn ông sao 5 cánh mà có nồi chè đậu đỏ thơm lừng. Đó là nồi chè được mẹ chuẩn bị đậu, đường từ sáng sớm để tối đi làm về kịp nấu cúng rằm và sau đó chị em tôi thưởng thức. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong khốn khó nên tôi ấp ủ ước mơ sẽ làm được những chiếc bánh Trung thu với suy nghĩ rằng mình làm bánh đơn giản vì muốn được hưởng Tết Trung thu cùng con”.

Để các con nhớ các vị bánh truyền thống, mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, chị An chọn làm một món bánh để cúng rằm trước, sau cho gia đình và người thân thưởng thức. “Những năm trước, tôi làm các loại bánh đơn giản, nhưng sau khi mở thương hiệu Bếp Cô An, có nhiều máy móc hiện đại, tôi muốn làm thêm nhiều loại bánh.

Tôi tự học, tự mày mò và làm bánh với tất cả tâm huyết, đam mê. Vì làm bánh cho các con, cho người thân nên bánh của tôi không sử dụng chất phụ gia. Tất cả đều dùng nguyên liệu tươi, màu của bánh lấy từ màu rau củ, các công đoạn làm bánh luôn cẩn trọng, tỉ mỉ mới cho ra được những chiếc bánh Trung thu đúng vị”.

Hiện chị An chỉ làm các loại bánh Trung thu truyền thống và bánh ngọt để phục vụ khách hàng. Nói là ngọt nhưng vị bánh của Bếp Cô An ngọt nhẹ để người ăn kiêng cũng có thể sử dụng. “Bánh Trung thu đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật, có hiểu biết và có tính nghệ thuật cao.

Với tôi, việc làm bánh Trung thu chỉ là để tăng thêm màu sắc cho bếp và thỏa niềm đam mê làm bánh của tôi trong rất nhiều sản phẩm khác. Có thể bánh Trung thu của tôi chưa quá độc đáo, song tôi cam kết bánh của Bếp Cô An luôn ngon, an toàn và chất lượng”, chị An khẳng định.

THANH TÌNH

.