Đà Nẵng cuối tuần
Mang Trung thu xưa trở về
Bên cạnh những cửa hàng bày bán đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn sư ông, trống bỏi hay mặt nạ giấy bồi..., những hoạt động vui hội trăng rằm được tổ chức theo phong tục truyền thống nhắc nhớ mỗi người về một mùa Trung thu xưa nhiều kỷ niệm.
Chiếc đèn bằng vỏ lon do cô bé Nguyễn Thị Minh Thư tự làm cho hai chị em. Ảnh: T.Y |
Bán, mua hoài niệm
Bà Trần Thị Kim Anh, chủ tiệm bán tạp hóa trên đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) tranh thủ thời gian vắng khách sắp xếp lại mặt hàng đồ chơi Trung thu. Hàng trăm đèn cá chép, đèn ông sao, đèn sư ông làm bằng phương pháp thủ công truyền thống hay mẫu đèn nhựa xuất xứ Trung Quốc treo tòn ten trước cửa hàng, có giá trung bình mỗi chiếc từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Những sản phẩm này bà Anh đặt mua tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 7 (âm lịch) và về tới cửa hàng giữa tháng 8.
Từ sau lễ Quốc khánh 2-9, nhiều phụ huynh bắt đầu mua sắm đồ chơi Trung thu cho con. Mỗi ngày, cửa hàng bà Anh bán hơn 100 sản phẩm. Bà cho biết, người dân chọn mua quà Trung thu cho con theo độ tuổi. Ví dụ, với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, quà Trung thu là những mặt hàng đèn lồng nhựa nhiều hình dáng, mẫu mã bắt mắt sản xuất từ Trung Quốc; ở lứa tuổi THCS, phần lớn chọn mua đèn ông sao hoặc đèn kéo quân, đèn sư ông, sự bất tiện của loại đèn này là được thắp sáng bằng nến thơm nên độ tuổi quá nhỏ sẽ không phù hợp.
Cầm trên tay chiếc đèn ông sao giao cho khách, bà Anh bất chợt cười, nói rằng những người bán buôn như bà phải cảm ơn bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bởi lẽ, nhiều em bé theo cha mẹ mua quà Trung thu đã nhất quyết chọn mua loại đèn thủ công truyền thống này sau khi nghe ca khúc “Chiếc đèn ông sao” vang lên đâu đó: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu. Cán cây rất dài, cán cao qua đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm trung thu. Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh...”.
“Em cầm đèn sao em hát vang vang” cũng là miền ký ức ngọt ngào của bà Anh mỗi dịp Trung thu về. Bà nói rằng, trong năm, có 2 thời điểm bà thích bán buôn nhất, đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Không chỉ hàng hóa bán nhanh, mà cả gian hàng tạp hóa của bà như bừng lên không khí lễ hội, rực rỡ sắc màu. Những đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn sư ông, mặt nạ giấy bồi, trống, lân… đã mang đến cho bà, lẫn khách, những hồi ức tươi đẹp tuổi học trò.
Ở đó, những gương mặt phụng phịu trẻ thơ hay những quan tâm giải thích vì sao đây là mặt hàng dành riêng cho ngày Trung thu, đã giúp bà Anh tìm thấy tuổi thơ của chính mình. “Cách đây 50 năm, chúng tôi vui Trung thu bằng mấy chiếc bánh Trung thu cỡ nhỏ, kẹo cau và chiếc đèn tự chế từ vỏ hộp sữa Ông Thọ, hộp xà phòng, giấy vở học trò. Nhà bạn nào có điều kiện thì được mua giấy kiếng đủ màu làm đèn ông sao, đèn sư ông… Có rứa thôi mà tiếng cười rộn rã”, bà Anh bồi hồi nhớ lại.
Tạo không gian Trung thu xưa
Đây là năm thứ 3 Nguyễn Thị Minh Thư (11 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tự tay làm đèn Trung thu cho hai chị em. Thói quen này được em hình thành sau 2 năm Covid-19. Thư kể, năm ngoái, trong thời gian giãn cách xã hội, không thể ra đường vui Trung thu, cô giáo bộ môn Kỹ thuật lớp 5 đã yêu cầu Thư và cả lớp làm đèn Trung thu từ những vật dụng trong nhà.
Lần ấy, Thư lên mạng xem clip hướng dẫn làm đèn bằng vỏ lon nước ngọt và tỉ mẩn làm theo. Đèn làm xong, Thư và các bạn chụp hình, gửi lên nhóm Zalo cho cô, không khí rộn ràng suốt cả tuần. Năm nay, ngoài đèn bằng vỏ lon, Thư mua thêm giấy kiếng và tre về làm đèn ông sao và đèn sư ông. “Cảm giác tự làm đèn Trung thu khá vui. Nhiều công đoạn khó em phải nhờ ba mẹ phụ giúp, nhưng cũng nhờ đó mà em biết được ngày xưa ba mẹ cũng tự làm đèn chứ không mua đồ làm sẵn như bây giờ”, Thư chia sẻ.
Đèn ông sao cũng là kiểu đèn mà các đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng chọn làm quà dành tặng các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn dịp này. Bên cạnh cách làm giản đơn, nguyên liệu dễ tìm, đây là một trong những loại đèn mang hồn cốt Trung thu của thiếu nhi Việt Nam.
Hay như, chương trình “Đêm hội trăng rằm năm 2022” do Quận đoàn Cẩm Lệ phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức tối 6-9, 200 phần quà gồm bánh trung thu, bánh kẹo và đèn ông sao đã được Ban tổ chức trao cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa. Tương tự, đèn ông sao cũng liên tục xuất hiện trong các chương trình “Trung thu cho em - Lồng đèn thắp sáng ước mơ” do các cơ sở Đoàn tổ chức.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Trung thu năm nay, bảo tàng tiếp tục tổ chức chương trình “Đủng đỉnh trông trăng” theo phong tục truyền thống phục vụ trẻ em thành phố. Theo ông Thiện, Tết Trung thu là Tết dành cho trẻ nhỏ, với những “phần thưởng” là đèn lồng, trống lân, là ăn bánh ngắm trăng bên gia đình, người thân.
Hương vị Trung thu ngọt ngào ấy không chỉ do bánh nướng, bánh dẻo mà còn do gia vị hạnh phúc của gia đình. Bao nhiêu năm qua, dù ai đi đâu, làm đâu cũng mong muốn và khát khao quây quần cùng gia đình phá cỗ, ngắm trăng. “Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, bảo tàng tổ chức không gian làm đèn sư ông, trải nghiệm trống Drum Circle, đọc sách, xem múa rối cạn và rước đèn, phá cỗ trông trăng… Chương trình có sự đồng hành, hướng dẫn của các nghệ nhân, tình nguyện viên có tay nghề, giúp trẻ dễ dàng thực hiện ước muốn tự làm chiếc đèn Trung thu cho bản thân dịp này”, ông Thiện nói.
TIỂU YẾN