Văn hóa - Giải trí
Công trình trùng tu Hải Vân quan sắp về đích
Sau 2 năm triển khai bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan, các hạng mục chính của công trình đã được nhà thầu hoàn thành, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ. Hiện nay, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đang khẩn trương hoàn thành các công đoạn cuối cùng của dự án, thống nhất các phương án phát huy giá trị di tích để đón khách tham quan trong quý 1 năm 2024.
Công trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đang dần được hoàn thành. Ảnh: X.D |
Nỗ lực hoàn thành những phần việc cuối
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan khởi công từ ngày 19-12-2021, do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng phối hợp điều hành, thực hiện trong hai năm với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Đến nay, hình hài công trình đã hiện rõ nơi đỉnh đèo Hải Vân với tiến độ đạt khoảng 90% khối lượng xây dựng.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, hiện công trình cơ bản hoàn thành các hạng mục, gồm: Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan; lô cốt, tường chắn đất, mương thoát nước; hệ thống tường thành nhà Nguyễn; cổng phụ, chòi canh, lan can; lắp dựng hệ mái, lát nền nhà Trú Sở, Vũ Khố… Các hạng mục được trùng tu trên nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, giữ yếu tố gốc. Đơn cử, hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan được đơn vị thi công hạ giải các cấu trúc không phải yếu tố nguyên gốc thuộc kiến trúc nhà Nguyễn. Đồng thời, phục hồi lan can, tay vịn, tai tường, bậc cấp từ tường thành bằng gạch vồ có kích thước và màu sắc tương đồng với hệ thống gạch nguyên gốc tại các cổng. Tương tự, hệ thống tường thành nhà Nguyễn cũng được loại bỏ các yếu tố không nguyên gốc, gia cường móng tường thành và phục hồi hệ thống tường thành bằng đá núi, vữa tam hợp.
Hiện đơn vị thi công đang triển khai thực hiện hạng mục hạ ngầm tuyến cáp trung thế 22kV ngang qua công trình, tiếp tục hoàn thiện các công việc còn lại thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Trưởng ban quản lý dự án Phan Văn Tuấn cho biết, sở dĩ tiến độ dự án phải kéo dài hơn so với kế hoạch hợp đồng vì thời tiết trên Hải Vân quan diễn biến phức tạp, thường xuyên mưa lớn và phải giải quyết các thủ tục liên quan đến đường dây điện 22kV. Ban quản lý dự án đã làm việc với đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị quản lý duy tu bảo dưỡng, Điện lực Liên Chiểu để được cấp phép di dời, hạ ngầm tuyến cáp trung thế 22kV đi qua đường quốc lộ. Các đơn vị tích cực hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, do hạng mục này có tăng chi phí di dời nên ban quản lý dự án phải xin đơn vị quyết định đầu tư sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để triển khai.
“Một số hạng mục của công trình trước đó chưa thể hoàn thiện dứt điểm vì vướng đường dây điện, nhưng đến nay đã được giải quyết. Các đơn vị liên quan đang nỗ lực hoàn thành các công việc còn lại của dự án trước ngày 1-2, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Dự kiến sẽ tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng trong quý 1 năm 2024”, ông Tuấn cho hay.
Khai thác, phát huy giá trị di tích
Sau khi hoàn thành công trình, một việc rất quan trọng của các ngành chức năng hai địa phương là phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Theo ông Phan Văn Tuấn, hiện các đơn vị chức năng đang tích cực tham mưu cho lãnh đạo hai địa phương các giải pháp phát huy giá trị Hải Vân quan phục vụ kinh tế - xã hội, trước khi Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng họp thống nhất. Tuy nhiên, tinh thần là trong tương lai, di tích phải tạo ra nguồn thu để ít nhất phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, quảng bá truyền thông. Để làm được việc này, Hải Vân quan cần có các hoạt động, chương trình đặc trưng, gắn liền với di tích. Trong đó, ban quản lý di tích sẽ đầu tư hệ thống thuyết minh phục vụ khách tham quan, trưng bày những hiện vật liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của công trình; triển lãm về khí tài, quân sự của thời nhà Nguyễn. Sau đó, nghiên cứu tổ chức các hoạt động để quảng bá di tích, ví dụ như: chương trình tái hiện quá khứ lịch sử với hiện tại, giải đua xe đạp với điểm đích là đỉnh đèo Hải Vân và các hoạt động khác.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, trước mắt, cả hai địa phương sẽ cùng quản lý và thành lập một ban quản lý di tích chung, cùng chăm lo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quảng bá truyền thông... Tạm thời, sau khi đưa vào sử dụng, di tích Hải Vân quan chưa thu phí tham quan, mở cửa đón khách tự do. Còn vấn đề thu phí sẽ được hai địa phương họp thống nhất trong tương lai. Về giải pháp trưng bày, tại Hải Vân quan sẽ có các mã QR giới thiệu về quá trình hình thành, các giai đoạn lịch sử của di tích cho khách tham quan. Bên trong nhà Trú Sở, Vũ Khố sẽ tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu một số hiện vật, kết hợp chiếu phim 3D… để tăng trải nghiệm cho người dân, du khách khi đến với di tích. “Hải Vân quan là công trình mang tính lịch sử, đi vào ký ức của nhiều thế hệ người dân. Bản thân Hải Vân quan lâu nay là một điểm đến rất nổi tiếng. Vì vậy, các đơn vị chức năng của hai địa phương sẽ cố gắng phát huy tối đa giá trị di tích này, đưa nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ lỡ của du khách trong và ngoài nước”, ông Thiện chia sẻ.
X.DŨNG