Đà Nẵng cuối tuần

Hành trình gieo hạt mầm thiện lương

14:51, 06/01/2024 (GMT+7)

Người ta thường nói, tuổi trẻ là quãng thời gian dành cho những chuyến đi. Đó có thể là hành trình khám phá vùng đất mới, đi tìm bản ngã của chính mình hoặc cũng có thể là sự trốn chạy, giải thoát khi lâm vào bế tắc, bi kịch. Văn chương dù ít dù nhiều vẫn mang bóng dáng của người sáng tạo. Có lẽ vì thế nên những tác phẩm Võ Đăng Khoa viết trong tập "Lạc đà bay" (NXB Trẻ, 2023) đều có dáng dấp của một chuyến đi nào đó, tràn ngập nỗi buồn, day dứt. Dù thế, đằng sau những buồn đau, người đọc vẫn luôn tìm thấy hy vọng, ánh sáng.

Tôi thẫn thờ lần giở từng câu chữ trong "Nhìn nước", thấy trước mắt mình mênh mang một dòng sông đời trắng xóa, sâu hun hút. Võ Đăng Khoa đã kể bằng sự chậm rãi hết mức có thể. Tuy nhiên, sự bình thản chỉ là lớp vỏ ngoài để giấu những chất chứa nỗi niềm, đau khổ, day dứt ở bên trong. Lựa chọn rời bỏ một ngôi nhà không có hơi ấm cô độc giữa biển nước, tác giả đã để nhân vật của mình chọn đi về phía hy vọng, tương lai.

Khác với “tôi” thực hiện chuyến đi một mình trong "Nhìn nước", Phước và Diện trong truyện ngắn "Cuối bãi" lại lựa chọn rời đi cùng nhau. Một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh mở quán nước mưu sinh và một người đàn ông dềnh dàng trong chuyện dựng vợ gả chồng đã tìm đến, nương tựa vào nhau để cùng suy tính trang mới có hạnh phúc, bình yên. Dẫu hy vọng ấy mong manh nhưng người đọc tin sẽ trở thành hiện thực bởi hai người họ đều có sự chân thành và thiện lương. Mỗi ngôi nhà khi Tết đến đều có những chậu hoa nở bừng khoe sắc cũng như mỗi người chúng ta đều có một trái tim luôn biết đập những nhịp yêu thương. Ngòi bút của Võ Đăng Khoa ở truyện này dễ tạo sự đồng cảm. Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình khiến người đọc càng thương mến biết bao những con người hồn hậu, chân chất nơi miền quê nghèo vật chất nhưng giàu có về tình nghĩa.

Nhưng "Lạc đà bay" không chỉ có những chuyến đi tìm kiếm những điều tốt đẹp mà còn có những chuyến đi bất đắc dĩ, chứa đầy bi kịch. Trong "Lạc đà bay", "Đất nở", "Ngược dòng", "Theo bầy", "Rời Bình Đa" người đọc được thấy những tận cùng day dứt, bi kịch của đời người. "Đất nở" với cách sử dụng những ẩn dụ, chi tiết mang màu sắc huyền ảo giúp người đọc nhận ra sự kết nối giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo. Đất đã nở, người buộc phải rời người, người ta càng ngày càng thấy cô đơn dù đang sống cùng gia đình, người thân. Cảm giác cô độc chế ngự khiến con người phải tự vật lộn với những vấn đề của chính mình và rất dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Đó chẳng phải chính là điều chúng ta cần phải suy ngẫm và tìm cách giải quyết hay sao?

“Khi tự nhìn vào mình, chúng ta thấy gì?”. Lời đề tựa của truyện ngắn "Cái gương" chính là một câu chúng ta thường tự hỏi. Có người nhìn vào gương thấy được sự cô đơn và nhỏ bé, có người nhìn vào gương để tự hào về bản thân, ai đó lại nhìn vào gương để thấy một khuôn mặt ủ ê, chán chường, đau khổ… Nhưng cũng có người còn chưa một lần nhìn vào gương, nhìn lại chính bản thân mình. Dù thế, tìm về với bản ngã, đi sâu vào thế giới riêng của bản thân sẽ là chuyến đi chúng ta phải thực hiện không chỉ một lần trong đời. Tôi nghĩ, Võ Đăng Khoa đã luôn thành thật với trang viết của mình để phơi bày sự tối tăm, xấu xí từ đó gióng lên một hồi chuông để cảnh tỉnh con người. Biết đâu, mầm thiện sẽ được gieo trồng và lớn lên từng chút một từ những lần chúng ta soi mình vào gương?

Với tôi, "Ngược dòng", "Theo bầy""Rời Bình Đa" là ba truyện viết về hành trình đi tìm tình yêu của con người. Tình yêu là thứ người ta luôn mơ tưởng có được, có lúc chừng như đã nắm trong tay nhưng cuối cùng cay đắng nhận ra: Hình như đó chưa bao giờ là điều cuộc sống ban tặng cho mình. Người đàn ông và người phụ nữ trong "Theo bầy", Bén trong "Ngược dòng", Chương trong "Rời Bình Đa" luôn khắc khoải chôn sâu trong lòng những day dứt, khao khát mãnh liệt. Chính ngọn lửa hy vọng được nhen nhóm qua bao ngày cay cực là thứ giúp họ trụ vững trước cuộc đời và trở nên mạnh mẽ hơn.

Ông già mù trong "Thả mồi" lại đang chờ một cuộc trở về của đứa con trai tù tội. Vẫn là những quẩn quanh, mù mịt nhưng Võ Đăng Khoa ở những nốt lặng cuối cùng của truyện đã kịp neo vào lòng người đọc niềm tin về một sự thay đổi. Sự thay đổi đó sẽ là dấu chấm hết của bi kịch, giúp ông già mù và con trai kết nối lại với nhau nhờ sự thấu hiểu, bao dung và yêu thương: “Ông già mù vẫn giỏi chờ đợi, mấy tháng đó không nhằm nhò gì. Ngày về, nó sẽ bắt đầu lại. Ông sẽ không để vuột mất con mình lần nữa, không phải bằng lưỡi câu giấu trong mồi (…) Ai cũng cần có cơ hội để làm lại, và niềm tin mãnh liệt của ông sẽ là động lực lớn cho đứa con của mình”. Kết thúc hành trình của "Lạc đà bay", tác giả đưa người đọc đến với "Dưới mái ngói". Đó là một câu chuyện bình dị nhưng cũng không kém phần quyết liệt. Những mâu thuẫn dường như tồn tại cả cuộc đời trong một gia đình tưởng chừng bình yên.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đang phải thực hiện chuyến đi mình mong muốn hoặc không mong muốn thì các nhân vật của tập truyện "Lạc đà bay" đều có những điều đáng yêu, đáng quý. Họ có thể bị vùi dập, có thể rơi vào tuyệt vọng, bị nỗi đau ăn mòn từng ngày nhưng chưa bao giờ trở nên xấu xa. Người đọc thương xót, đồng cảm, khắc khoải với những phận người và trên hết là trân trọng những con người đã từng chịu trăm nỗi đắng cay nhưng luôn ngời sáng hy vọng và niềm tin vào ngày mai. Sau tất cả, độc giả cũng đang chờ đợi những chuyến đi của chính mình.

NGUYỄN HIÊN

.