Văn hóa - Giải trí
Tạo môi trường hoạt động văn học nghệ thuật sôi động
Sau 1 năm triển khai đề án Phát triển văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, các đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức về vai trò của văn học nghệ thuật. Qua đó, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước và tổ chức nhiều hoạt động, tạo môi trường và đời sống văn học nghệ thuật sôi động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của nhân dân.
![]() |
Các hoạt động văn hóa dân gian diễn ra tại phiên chợ Tết Ất Tỵ năm 2025 do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, với vai trò cơ quan thường trực đề án, trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tích cực lồng ghép, đề xuất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của đề án vào chương trình, kế hoạch của ngành; đồng thời kết hợp tuyên truyền, quán triệt sâu sắc công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, đơn vị thuộc sở và lan tỏa trong nhân dân thông qua các hoạt động, sự kiện, lễ hội... Nhờ đó đã khẳng định vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, bồi đắp tâm hồn của con người, hướng đến các giá trị thẩm mỹ cao đẹp.
Công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2024 chuyển biến tích cực, góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thành phố thành cơ chế, chính sách cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo môi trường cho hoạt động tự do sáng tạo và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật thành phố từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa tăng dần.
Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công bố trí vốn xây dựng cơ bản trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hơn 138 tỷ đồng. Sở phối hợp các đơn vị liên quan lồng ghép nội dung kiến nghị của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật, hội thi, hội diễn cấp khu vực, quốc gia, quốc tế, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng, phong phú về các loại hình nghệ thuật vào dự thảo đề án Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa tăng cường công tác thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong hoạt động văn học nghệ thuật được chú trọng và triển khai kịp thời. Trong năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận, thẩm định và ban hành 876 công văn, giấy phép trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh, văn hóa phẩm. Các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng chấp hành tốt quy định pháp luật, bảo đảm an toàn trong dịp lễ, Tết.
Các loại hình vui chơi giải trí đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và du khách. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 331 triệu đồng; trong đó, đình chỉ hai cuộc thi người đẹp không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bám sát thực tiễn cuộc sống
Kể từ sau đại hội các hội chuyên ngành nhiệm kỳ 2023-2028 được tổ chức, các hội chuyên ngành củng cố, kiện toàn và nhanh chóng đi vào hoạt động. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố đã tích cực phối hợp, tổ chức các hoạt động chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật được phê duyệt tại đề án.
Điển hình là xây dựng dự thảo đề án nâng cao chất lượng tạp chí Non Nước bản giấy và triển khai tạp chí Non Nước điện tử; đồng thời tổ chức hiệu quả các hội thảo, tọa đàm chuyên môn như: tọa đàm “Phát huy múa dân gian dân tộc trong xu hướng du lịch văn hóa Đà Nẵng”, tọa đàm khoa học “Nghiên cứu văn hóa biển Đà Nẵng qua phương pháp điền dã dân tộc học”, hội thảo “Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến với bạn đọc”, tọa đàm “Mỹ thuật Đà Nẵng - Định hướng và phát triển”, hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật Đà Nẵng - 50 năm xây dựng và phát triển”… Qua đó, đánh giá những thành tựu trong quá trình phát triển và chỉ ra những thách thức, cơ hội trong thời gian tới.
Với sự chủ động, tích cực triển khai chương trình công tác và nhiệm vụ được giao, các đơn vị sự nghiệp văn hóa thành phố đã tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà hát Trưng Vương tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật tại các sự kiện lớn của thành phố, đặc biệt là xây dựng chương trình “Dòng sông kể chuyển” tham gia “Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2024” đoạt huy chương Bạc toàn đoàn; tham dự “Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2024” đoạt 1 giải A cho ban nhạc Nhà hát Trưng Vương và 2 nhạc công được công nhận danh hiệu nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh duy trì thường xuyên các chương trình “Hồn Việt”, “Con đường di sản”, “Sân khấu học đường”, “Tuồng xuống phố”. Thư viện Khoa học Tổng hợp phục vụ hơn 1 triệu lượt đọc, mượn và luân chuyển hơn 2 triệu lượt tài liệu, sách báo, bao gồm phục vụ bạn đọc tại chỗ, lượt truy cập web, truy cập sách điện tử, tài liệu số.
Bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho biết, thực hiện đề án Phát triển văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, thư viện phối hợp Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố ra mắt và giới thiệu các tác giả, tác phẩm, đồng thời phục vụ sách nghiên cứu địa phương. Đặc biệt, thư viện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và đề án Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mỗi năm, thư viện tổ chức 4 sự kiện ngày hội văn hóa đọc với nhiều hoạt động thu hút bạn đọc tham gia.
Qua một năm thực hiện đề án Phát triển văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố phát triển lành mạnh, đúng định hướng và có sự bắt nhịp, đồng hành cùng các sự kiện, nhiệm vụ chính trị của thành phố và đất nước.
Đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện, môi trường sáng tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, bám sát thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian, văn hóa truyền thống được quan tâm, chú trọng, bước đầu đạt được nhiều thành quả; hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được chú trọng đẩy mạnh, đáp ứng cơ bản yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG