Khoa học - Công nghệ
Tìm thấy chiếc xe thất lạc 40 năm trên Mặt Trăng
14:35, 15/06/2010 (GMT+7)
Lunakhod 1, chiếc xe tự hành nổi tiếng do Liên Xô (trứơc đây) sản xuất, bị thất lạc trên địa hình lấm bụi của chị Hằng trong suốt 40 năm qua, đã bất ngờ được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tìm thấy.
Chiếc xe bị thất lạc, sau 40 năm đã được tìm thấy (Nguồn: redorbit.com) |
Cỗ xe thất lạc 40 năm trên Mặt Trăng
Trông giống như một sản phẩm của các cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng Lunokhod 1 (tạm dịch Người đi bộ trên Mặt Trăng 1) lại là thứ có thật. Gần như bị lãng quên sau khi Liên Xô sụp đổ, Lunokhod 1 thực tế là một trong những thành công vĩ đại trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của chính quyền Xô Viết.
Khi đáp thành công xuống bề mặt chị Hằng hồi những năm 1970, Lunokho1 đã trở thành một sự kiện gây chấn động. Tạp chí Time đã từng mô tả cuộc đổ bộ lịch sử của xe tự hành này như sau: “ba tiếng đồng hồ kể từ thời điểm hạ cánh xuống Mặt Trăng, trên một thiết bị đổ bộ không người điều khiển mang tên Luna 17, Lunokhod 1 đã bò xuống một trong hai bờ dốc được tàu mẹ tạo ra và tiến lên phía trước, qua đó đã đặt những bước đi đầu tiên của một robot trên một bầu trời khác.”
Lunokhod 1 hoạt động trong ánh sáng ban ngày ở Mặt Trăng và thi thoảng lại ngưng hoạt động để nạp pin thông qua một panel thu năng lượng Mặt Trời. Vào ban đêm, robot tạm ngưng hoạt động và được sưởi ấm bởi một nguồn phóng xạ.
Trong chuyến thám hiểm Mặt Trăng kéo dài 11 tháng, Lunakhod 1 đã gửi về hàng ngàn tấm ảnh thường và hàng trăm tấm ảnh toàn cảnh có độ phân giải cao về bề mặt chị Hằng. Nó cũng thu thập và phân tích mẫu đất Mặt Trăng tại 500 điểm khác nhau.
Ngày 14/9/1971, trạm điều khiển dưới mặt đất bất ngờ mất kết nối với Lunokhod 1. Khi tiến hành nối lại liên lạc, họ không thể bắt được tín hiệu. Hoạt động của Lunokhod 1 chính thức bị ngừng vào ngày 4/10/1971, cũng là thời điểm kỷ niệm ngày phóng vệ tinh Sputnik 1. Kể từ đó, Lunokhod 1 đã rơi vào câm lặng và chỉ được phát hiện vào tháng Tư năm nay, khi vệ tinh thám sát Mặt Trăng (LRO) của NASA tình cờ tìm thấy nó.
Cỗ xe bất ngờ “lên tiếng”
Một đội nghiên cứu do nhà khoa học Tom Murphy thuộc Đại học San Diego đã thử tiến hành bắt liên lạc với chiếc xe tự hành thất lạc này.
Ngày 22/4, Murphy và đội nghiên cứu của ông đã gửi đi các tín hiệu laser từ kính thiên văn có đường kính 3,5m, nằm tại Đài quan sát Điểm Apache ở New Mexico, dựa trên tọa độ đã được LRO thông báo.
Điều bất ngờ là thiết bị nhận tín hiệu laser trên Lunokhod 1 đã bắt được tín hiệu gửi đi và gửi trả lại một phản hồi hết sức rõ ràng.
“Chúng tôi chiếu một tia laser vào vị trí của Lunokhod 1 và chúng tôi đã choáng người bởi mức năng lượng của tia laser trả lời” - Tom Murphy kể - “Lunokhod 1 đã nói chuyện với chúng tôi rất to và rõ. Sau gần 40 năm im lặng, chiếc xe này hẳn phải có rất nhiều điều cần tâm sự.”
Murphy và các cộng sự của ông là thành viên một dự án đo đạc laser và tính toán quỹ đạo Mặt Trăng, nằm trong khuôn khổ chương trình không gian Apollo của Mỹ. Để phục vụ cho chương trình này, từ đầu những năm 1970, ba thiết bị phản xạ laser đã được NASA đặt trên Mặt Trăng. Các thiết bị này, được sự hỗ trợ bởi một thiết bị phản hồi trên Lunokhod 2 và hai thiết bị nữa trên Lunokhod 1, sẽ giúp tính toán chính xác quỹ đạo của Mặt Trăng.
Tuy nhiên, kể từ khi Lunokhod 1 bị thất lạc, không ai nghĩ sẽ có thể bắt được tín hiệu từ xe tự hành này thêm một lần nữa. Về phần Murphy, những phản ứng đầu tiên của ông đơn giản là không tin nổi.
“Tín hiệu hồi đáp quá mạnh khiến những suy nghĩ đầu tiên của tôi là thiết bị nhận tín hiệu ở Mặt Đất có thể đang “giở trò.” Tôi đã nghĩ rằng thiết bị phản hồi tín hiệu của Lunokhod 1 phải lão hóa và hư hỏng sau chừng ấy thời gian nên tôi nghĩ "chuyện này không thể xảy ra." Nhưng thực tế mọi chuyện đã diễn ra theo chiều ngược lại,” Murphy nói.
Theo các nhà khoa học, tín hiệu của Lunokhod 1 mạnh hơn nhiều Lunokhod 2 và lý do dẫn tới hiện tượng này vẫn là bí ẩn chưa có lời giải. Murphy cho biết với việc Lunokhod 1 trở lại hoạt động, lần đầu tiên trong suốt thời gian dài qua, nghiên cứu đo đạc quỹ đạo Mặt Trăng bằng laser có thể tiếp tục đẩy mạnh hết công suất.
Theo TT&VH