Triển lãm điện tử tiêu dùng quốc tế hàng năm (CES) luôn là cuộc trình diễn đầy màu sắc của các sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.
Và năm nay, thế giới một lần nữa được chứng kiến sự đổ bộ của nhiều "chiến binh" đáng nể mới từ các hãng sản xuất hàng đầu.
Dưới đây là những đại diện tiêu biểu cho những lĩnh vực chủ chốt tại CES 2011, do tạp chí PC World bình chọn:
"Dế" Motorola Droid Bionic
Đây có thể là mẫu điện thoại ấn tượng nhất từ trước tới nay, với màn hình rộng 4,3 inch, chip lõi kép với xung nhịp 1 GHz, RAM 512MB và hỗ trợ mạng LTE của Verizon.
Droid Bionic cũng có cả camera phụ VGA ở phía trước phục vụ cho việc thoại video. Cổng HDMI là một giao tiếp không thể thiếu cho thiết bị có khả năng quay video HD và chụp hình 8 Megapixel này.
LG Optimus Black
"Dế" Optimus Black của hãng LG mỏng chỉ 9,2 mm, nặng 106 gram, với chip lõi kép đầy sức mạnh. LG nói rằng, đây là mẫu di động mỏng nhất thế giới hiện nay.
Ngoài ra, sản phẩm còn được trang bị màn hình NOVA, mà theo LG, thì sáng hơn, tương phản cao hơn và tốn ít điện năng hơn. Mặt trước của máy là camera 2 Megapixel hỗ trợ thoại video, camera mặt sau máy hiện chưa xác nhận là 5 hoặc 8 Megapixel, hỗ trợ quay phim HD.
Máy tính bảng Motorola Xoom
Xoom của Motorola là chiếc máy tính bảng chạy hệ điều hành Android 3.0 chính thức đầu tiên trên thị trường. Máy sở hữu 2 camera.
Camera 2 Megapixel mặt trước làm webcam và đàm thoại có hình, mặt sau có độ phân giải 5 chấm dùng để chụp ảnh và quay video độ phân giải 720p. Màn hình cảm ứng độ phân giải 1280 x 800 pixel. Người dùng có thể xem video full HD 1080 p và xuất ra theo chuẩn HDMI.
Máy tính bảng Blackberry Playbook
PlayBook có 2 camera gồm: mặt trước 3 Megapixel, mặt sau 5 Megapixel, cho phép người dùng chụp ảnh và gọi video. Ngoài ra, cổng HDMI giúp đưa video Full HD ra TV màn ảnh rộng.
Sản phẩm có kích thước 130 x 193 x 10 mm, màn hình 7 inch cảm ứng, độ phân giải 1024 x 600 pixel. Mặt sau có khả năng chống vân tay. PlayBook hỗ trợ MP3, AAC và WMA, kết nối Wi-Fi 802.11 a/b/g/n, Bluetooth® 2.1+EDR.
TV 3D của Vizio
Người tiêu dùng chắc đã quen với các cuộc trình diễn tivi 3D và các hiệu ứng này đã không còn quá xa lạ khi hàng loạt siêu phẩm điện ảnh rầm rộ ra quân hồi năm ngoái. Người tiêu dùng cũng đã quen với việc phải đeo những cặp kính màn trập đắt tiền và trông hơi kỳ quặc.
Loạt sản phẩm của Vizio thuộc các dòng E, M và XVT được ra mắt tại CES 2011 tuy không mang tới "sự nhảy vọt" về chất lượng hình ảnh 3D, nhưng chúng sử dụng những chiếc kính phân cực thụ động, nên hình ảnh sáng hơn, giá thành rẻ hơn mà vẫn rất thời trang.
TV 3D công nghệ FPR của LG
Thêm một ứng viên nữa cho các dòng tivi 3D sử dụng kính phân cực thụ động. Trong màn trình diễn CES năm nay, LG mang tới cặp kính phân cực mới, nhìn tương tự như mắt kính thông thường.
Cặp kính này đi kèm với loại TV 3D sử dụng công nghệ FPR (Film-type Patterned Retarder) của hãng. Công nghệ FPR sẽ giúp khử hiện tượng chồng hình (crosstalk), nhòe hay rung hình vốn xuất hiện trên công nghệ 3D.
Viera Connect của Panasonic
Tính năng này sẽ được tích hợp trên các mẫu tivi HD của hãng. Viera Connect cho phép người dùng vừa có thể chat với bạn bè trên Facebook và Twitter, vừa xem được truyền hình trực tiếp, hoặc lựa chọn kênh ưa thích trên khắp thế giới.
Thậm chí, người dùng còn có thể chơi game song hành với bạn bè qua Internet. Ngoài ra, chủ nhân Viera Connect còn có thể chia sẻ tài nguyên của mình với cộng đồng thông qua công cụ Ustream.
Máy tính IdeaCentre B520 của Lenovo
Đây có lẽ là một trong những chiếc máy đầu tiên của xu hướng máy tính để bàn năm nay: 3D tất cả trong một. IdeaCentre B520 tích hợp CPU Intel Core i7 (cũng là thế hệ thứ 2), màn hình 23 inch full HD, bộ nhớ trong là 16GB DDR3 và một ổ cứng 2TB.
Đi kèm sản phẩm này là một con chuột 3 trong 1. IdeaCentre B520 hỗ trợ âm thanh vòm Dolby 5.0 và ổ đĩa Blu-ray.
Máy ảnh Olympus XZ-1
Nếu bạn cần một chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn với độ mở ống kính lớn, Olympus XZ-1 có thể là sự lựa chọn của bạn.
Được coi là đối thủ cạnh tranh của mẫu Canon PowerShot S95, cấu hình cơ bản của XZ-1 cũng khá mạnh như độ phân giải 10 Megapixel, ống kính Zuiko tên tuổi, độ mở ống kính tối đa f1.8, sử dụng màn hình OLED 3 inch, chân hot-shoe để cắm flash ngoài hoặc kính ngắm điện tử và tính năng quay phim HD 720p.
Máy quay Sony Handycam HDR-TD10
Máy quay “Double Full HD” 3D đầu tiên trên thế giới này tích hợp ống kính đôi Sony-G, cảm biến Exmor R CMOS, và có 2 bộ xử lý ảnh BIONZ video 3D với độ phân giải full-HD (1.920 x 1.080 pixel).
Máy quay trang bị bộ nhớ trong 64GB, và bạn có thể xem phim 3D mà không cần kính ngay trên màn hình LCD của máy.
Chip Sandy Bridge của Intel
Điểm đáng chú ý nhất của vi kiến trúc này là việc kết hợp các hệ thống điện toán phụ trước đây vẫn nằm riêng rẽ lại với nhau. Trong Nehalem - vi kiến trúc của năm 2008, Intel đặt nhân xử lý đồ họa và bộ xử lý trung tâm trên 2 đế.
Nhưng với Sandy Bridge, lần đầu tiên, cả 2 được tích hợp trên cùng một đế, giúp hệ thống giảm được độ trễ khi trao đổi dữ liệu và tiết kiệm năng lượng hơn. Bên cạnh đó, đồ họa tích hợp trong Sandy Bridge cũng mạnh mẽ hơn các thế hệ trước.
Netbook HP Pavilion dm1
Cùng với Lenovo ThinkPad X120e, HP Pavilion dm1 là một trong những chiếc netbook đầu tiên sử dụng chip mới của AMD được cho là sẽ giúp nâng cao hiệu năng sử dụng, đồng thời tăng thời lượng pin cho máy.
HP Pavilion dm1 có màn hình LED backlit độ phân giải 1.366 x 768 pixel. Máy có bộ nhớ RAM 3 GB và có thể nâng cấp lên tối đa đến 8 GB, ổ cứng dung lượng 320 GB, hỗ trợ đầu đọc thẻ SD, 3 cổng USB, HDMI, VGA và Ethernet.
VnEconomy