Vị "cứu tinh" mang tên "cầu thủ ngoại"

.

HLV Park Hang-seo từng bày tỏ, các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cần hạn chế sử dụng cầu thủ nước ngoài và tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu nhiều hơn nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Dù mong muốn ấy rất hợp lý song không dễ để các CLB chuyên nghiệp chấp nhận, một khi vai trò và những đóng góp của phần lớn các cầu thủ ngoại với các CLB là rất lớn.

Dù chưa thực sự xuất sắc nhưng cầu thủ ngoại Tanda (áo cam) vẫn là một nhân tố không thể thiếu trên hàng công của SHB Đà Nẵng. 	              Ảnh: BẢO AN
Dù chưa thực sự xuất sắc nhưng cầu thủ ngoại Tanda (áo cam) vẫn là một nhân tố không thể thiếu trên hàng công của SHB Đà Nẵng. Ảnh: BẢO AN

V-League 2018 từng quy định, mỗi CLB chỉ được đăng ký 2 cầu thủ ngoại, song thực tế cho thấy, chất lượng của giải đấu cũng bị giảm nhiều so với những mùa giải mà mỗi CLB có sự phục vụ của 3 cầu thủ ngoại. Vì thế, từ V-League 2019 đến nay, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải chấp nhận trở lại với những quy định trước đó về cầu thủ ngoại. Tại V-League 2020, 14 CLB đều tận dụng tối đa quyền sử dụng ngoại binh và hầu hết các CLB đều dành ít nhất một vị trí tiền đạo cho cầu thủ ngoại.

Dĩ nhiên, sau 9 lượt trận, kết quả của mỗi CLB đều khác nhau song mẫu số chung vẫn là khả năng đóng góp của các cầu thủ ngoại ảnh hưởng cụ thể đến thành tích của từng đội bóng. Điển hình như Hải Phòng khi ưu tiên cả 3 cầu thủ ngoại cho hàng công nhưng với việc Mpande rồi Claudecir chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn thắng sau 9 trận đấu, đội bóng của thành phố Cảng đã rơi xuống nhóm cuối bảng, khi chỉ tạm xếp trên Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Quảng Nam. Hay như Quảng Nam phải chật vật trong cuộc đua trụ hạng do bộ đôi cầu thủ ngoại trên hàng công Jose Paulo Pinto và Papa Ibou Kebe thi đấu quá mờ nhạt.

Ngược lại, với những cầu thủ ngoại "chất lượng cao" như Pedro Paulo, Geovane Magno, Ahn Byung-Keon của Sài Gòn FC hay Papé Diakité, Seo Yong-duk, Amido Baldé của CLB TP. Hồ Chí Minh, có những đóng góp rất lớn vào lối chơi của toàn đội đã giúp cả 2 đội bóng này tạm chia nhau 2 vị trí dẫn đầu V-League 2020.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận khi những năm gần đây, chất lượng cầu thủ ngoại tại V-League không tốt như giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sự cạnh tranh quyết liệt từ các giải đấu trong khu vực như Thai League, Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia), thậm chí cả giải Myanmar khiến V-League không còn là "miền đất hứa" với các cầu thủ ngoại.

Trong đó, chất lượng giải đấu cùng chính sách tiền lương, tiền lót tay ở những quốc gia này đủ tạo được sức thu hút với những cầu thủ giỏi. Thế nhưng, với tâm lý "không thể thiếu cầu thủ ngoại" nhờ ưu thế thể hình, thể lực cùng với việc các cầu thủ Việt Nam chưa thực sự nổi trội để đảm đương nhiệm vụ buộc các HLV phải đặt niềm tin vào việc dùng ngoại binh để có thể hy vọng có ngay hiệu quả, thay vì tìm tòi, lắp ghép hay thử nghiệm nhiều phương án khác. Cho nên, đến thời điểm hiện tại, sự thành - bại của các CLB vẫn lệ thuộc rất nhiều vào các cầu thủ ngoại khi họ vẫn là những "vị cứu tinh" cho cả 14 CLB V-League ở mùa giải này!

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.