Thể thao Đà Nẵng đối mặt nhiều khó khăn

.

Theo kế hoạch thi đấu đã được điều chỉnh, từ tháng 9, các giải thể thao Việt Nam sẽ khởi động lại, sau khi tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát trên cả nước. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương trên cả nước, thể thao Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Do dịch bệnh, việc không được tập huấn nước ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 với những tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Hữu Kim Sơn (ảnh).                     Ảnh: BẢO AN
Do dịch bệnh, việc không được tập huấn nước ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 với những tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Hữu Kim Sơn (ảnh). Ảnh: BẢO AN

Tuân thủ quy định giãn cách xã hội, toàn bộ các hoạt động thể dục-thể thao nói chung, việc tập luyện của các đội tuyển nói riêng đều phải điều chỉnh phù hợp.

Nếu đội tuyển Đua thuyền hoặc một số VĐV chủ chốt của đội tuyển Bơi được tập trung ở những khu vực biệt lập, có thể luyện tập trong chừng mực thì các VĐV còn lại đều chỉ tập ở mức duy trì thể lực, thông qua các bài tập trực tuyến theo giáo án đã được các HLV điều chỉnh.

Trước đó, các bộ môn đã một lần điều chỉnh kế hoạch sau đợt bùng phát dịch lần 1, song, ở lần dịch tái bùng phát hồi tháng 8, khó khăn càng chồng chất. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Nguyễn Đông Hải cho biết: "Chưa kể đến những VĐV được ưu tiên tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho SEA Games 31 (2021), dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến các đội tuyển còn lại.

Dù ngành thể dục - thể thao (TDTT) đã mời được 4 chuyên gia nước ngoài cho các đội tuyển Rowing, Điền kinh, Sailing, Bóng bàn nhằm chuẩn bị lực lượng cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 9 (2022), song, do dịch bệnh, các chuyên gia không thể nhập cảnh và kế hoạch tạm thời bị đình hoãn. Bên cạnh đó, một số VĐV chủ lực như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Hữu Kim Sơn cũng không thể sang Hungary tập huấn như kế hoạch...".

Với kế hoạch 15 giải quốc gia được tổ chức trong tháng 6 và 17 giải  được tổ chức vào tháng 7 phải hoãn do Covid-19, chắc chắn, các giải đấu sẽ diễn ra với mật độ dày đặc trong thời gian còn lại của năm 2020. Chính những thực tế ấy đặt các đội tuyển thể thao Đà Nẵng trước những thách thức cực đại. Không thể tập luyện trên sân bãi, thảm đấu, chắc chắn, cảm giác không gian của các VĐV khi bước vào các giải đấu sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, việc không được thi đấu dài ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phong độ của từng VĐV. Mặt khác, nếu đến các địa phương khác thi đấu, nhiều khả năng, các VĐV Đà Nẵng phải thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quần vợt Đà Nẵng (DTTC) Trương Quảng Vũ khẳng định: "Việc phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày sẽ khiến quá trình tập luyện, chuẩn bị thi đấu của các VĐV ảnh hưởng. Chắc chắn, thành tích của VĐV Đà Nẵng không phản ánh đúng thực lực. Vì vậy, quan điểm của DTTC là sẽ không cử VĐV tham gia tranh tài các giải đấu trong thời gian tới; ngoại trừ trường hợp đội tuyển Đà Nẵng được bố trí thi đấu như các đội tuyển còn lại".

Được biết, đến thời điểm hiện tại, nếu tính thành tích ở các giải đã thi đấu, các đội tuyển Đà Nẵng đều vượt chỉ tiêu được giao. Song, điều đó không hẳn giúp ngành TDTT Đà Nẵng vơi đi những băn khoăn, đòi hỏi phải nỗ lực gấp bội bởi, phía trước, vẫn còn nhiều giải đấu quan trọng.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.