Y tế - Sức khỏe

"Thân xác xin gửi lại cho... bác sĩ"

07:50, 21/10/2015 (GMT+7)

Vượt qua nếp nghĩ “chết phải toàn thây”, một số người có tâm nguyện khi nhắm mắt xuôi tay được hiến thân xác mình cho y học. Họ mong ước: “Nội tạng ghép cho người cần, thân xác còn lại, bác sĩ muốn làm gì phục vụ nghiên cứu đều được hết”…

Một ca ghép thận tại Đà Nẵng.
Một ca ghép thận tại Đà Nẵng.

Việc tốt thì làm thôi!

Lâu nay, anh Thái Duy Tôn (46 tuổi, trú tổ 106, thôn Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) âm thầm tìm hiểu quy trình, thủ tục hiến tạng, hiến xác. Anh đang có vợ và hai đứa con còn đi học. Tuổi còn trẻ và có cuộc sống khá bình yên nên việc anh canh cánh về… ngày mất khiến không ít người thấy lạ. Vợ lặng im không bày tỏ suy nghĩ gì khi biết chồng có tâm nguyện hiến thân xác cho y học.

Có lẽ chị nghĩ còn quá sớm để nói về điều này. Bên cạnh đó, anh Tôn cũng biết ở khía cạnh tâm linh, nhiều người vẫn coi trọng chuyện “toàn thây” khi mất, nên sẽ có những ý kiến trái chiều trong gia đình về quyết định của anh. Tuy vậy, với người đàn ông 46 tuổi này, đơn giản là “việc tốt thì làm thôi”.

Anh Tôn tâm sự: “Tôi nghĩ về việc này lâu rồi. Thân thể mình thì mình quyết. Ai có ý kiến phản đối, tôi cũng không mấy bận lòng. Chỉ mong sao thủ tục thật chặt chẽ để quyết định hôm nay vẫn còn nguyên giá trị đến lúc mình không còn nữa. Nếu người nhà có đổi ý, rút lại cam kết thì giấy trắng mực đen đã quá rõ, không ai thay đổi ý nguyện của tôi được”.

15 người tình nguyện hiến xác

Ở Đà Nẵng hiện nay, Bệnh viện Đà Nẵng là cơ sở y tế duy nhất có khả năng thực hiện ghép tạng. Bệnh viện đã tiến hành 2 ca ghép thận và đều thành công. Tuy vậy, đây chỉ là những ca ghép trực tiếp từ người này sang người khác, chứ không phải là ghép từ nguồn tạng lưu trữ. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổng hợp - Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết hiện tại Bệnh viện chưa có ngân hàng lưu trữ mô, tạng nên chưa thể tiếp nhận thi thể người có nhu cầu hiến tạng, hiến xác cho y học.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố đang tồn tại các CLB đăng ký hiến tặng giác mạc với tổng cộng hơn 2.000 thành viên. Đây là những người có thiện ý khi mất đi sẽ được khoa học can thiệp kịp thời, giúp có thể trao lại giác mạc của mình cho người mù cần ghép giác mạc. Hoạt động này do Hội Chữ thập đỏ thành phố phát động vài năm qua và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo tình nguyện viên.

Với việc hiến xác, hiến tạng khác, ông Lưu cho biết, toàn thành phố đã có 15 người nhận thẻ “Người tự nguyện hiến thi thể sau khi qua đời cho y học” từ Trường Đại học Y Dược Huế. Và với các sinh viên y khoa, những người tình nguyện hiến xác chính là “người thầy thứ hai”, bên cạnh những người thầy đứng trên bục giảng, giúp đem lại kiến thức hữu ích, thực tế cho sinh viên trường Y.

Ở miền Trung, nơi tiếp nhận tạng hiến và xác hiến là Trường Đại học Y Dược Huế. Ông Lưu chia sẻ, đối với trường hợp anh Tôn, anh có thể liên hệ Hội Chữ thập đỏ phường, quận hoặc thành phố để được hướng dẫn đăng ký và cung cấp mẫu đơn làm các thủ tục, hoặc trực tiếp liên hệ bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Huế.

Tiếp đó, người muốn hiến tạng hoặc hiến xác đến UBND phường, xã xác nhận danh tính, nơi ở. Toàn bộ hồ sơ được lưu 2 bản, trong đó người nhà giữ 1 bản và Trường Đại học Y Dược Huế giữ 1 bản. Dĩ nhiên, hồ sơ phải bao gồm cam kết đồng ý của gia đình người hiến. Khi hồ sơ được Trường Đại học Y Dược Huế chấp nhận, người hiến sẽ nhận một tấm thẻ chứng nhận đăng ký (hiến sau khi chết).

Được biết, ngoài cách trên, người hiến có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế để được tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng, hiến xác và điều phối đến cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng hoặc tiếp nhận xác.

Nguyên tắc của việc hiến mô, tạng: tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật các thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Một người chết/chết não có thể hiến được các mô, tạng sau: 1 quả tim, 2 lá gan, 2 quả thận, 1 tụy, 2 lá phổi, 2 giác mạc, da, xương...

Người hiến mô (giác mạc) sau khi chết sẽ được tôn vinh. Gia đình người hiến giác mạc được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

“Tại Đà Nẵng chưa có nơi nào tiếp nhận xác hiến. Ngành Y tế thành phố sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, bởi trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 3 đơn vị đào tạo bác sĩ nên cũng phải tính đến việc nhận xác vì mục đích đào tạo và nghiên cứu khoa học khác”

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

.