Tư vấn
Nguồn gốc địa danh Tam Thắng ở Vũng Tàu
* Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ngày 21-1-2024 có nói đến địa danh Vũng Tàu. Vừa rồi trong chuyến thăm đình Thắng Tam ở Vũng Tàu tôi nghe người dân địa phương cho biết đình này cũng có liên quan đến địa danh Vũng Tàu. Mong quý báo giải thích rõ thêm. (Lý Công Như, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
- Ở Vũng Tàu có 3 địa danh Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, gọi chung là Tam Thắng. Trong phần giới thiệu “Địa danh Vũng Tàu", Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (vusta.vn) dẫn thông tin của tác giả Huỳnh Minh trong cuốn “Vũng Tàu xưa và nay” (Sài Gòn, 1970), trong đó đưa ra hai giả thuyết về nguồn gốc địa danh Tam Thắng này.
Bia Di tích Lịch sử - Văn hóa trước đình Thắng Tam, Vũng Tàu. Ảnh: V.T.L |
Truyền thuyết thứ nhất, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho những phần từ “bất hảo” từ Huế vào khai phá vùng đất Vũng Tàu. Khoảng một thế kỷ sau, nơi đây đã biến thành một thị trấn phồn thịnh. Ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam ấy gọi chung “Tam Thoàn” (Thoàn = Thuyền) để kỷ niệm 3 chiếc thuyền đầu tiên đã cặp bến này.
Truyền thuyết thứ hai, những người sáng lập nên 3 làng Tam Thắng ở Vũng Tàu là những người lính thuộc 3 đội quân đi trên 3 chiến thuyền, mỗi thuyền do một viên đội trưởng chỉ huy. Họ đã đánh đuổi bọn cướp biển Mã Lai, giữ gìn an ninh ở địa phương, lập doanh trại Phước Thắng. Năm 1822, vua Minh Mạng cho họ giải ngũ và cho giữ lại khai khẩn vùng đất này. Phạm Văn Dinh lập làng Thắng Nhất, Lê Văn Lộc lập làng Thắng Nhì, Ngô Văn Huyền lập làng Thắng Tam. Vua Minh Mạng ban 3 lá sắc cho 3 làng. Nhưng cả 3 lá sắc này đều được thờ ở đình Thắng Tam, nhưng nay đã bị thất lạc. Hiện đình Thắng Tam chỉ lưu giữ 12 đạo sắc phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần (cá voi), Thiên Y Ana, Thủy Long thần nữ.
Bài viết “Nguồn gốc tên gọi Vũng Tàu, Ô Cấp, Cap Saint Jacques, Tam Thắng” đăng trên trang chuyenxua.net nói rõ thêm về nội dung này.
Theo đó, trước khi Pháp xua quân xâm lược Nam Kỳ, thì vùng đất này được gọi là Lục Tỉnh, tức 6 tỉnh, với 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Trong đó. Vũng Tàu thuộc về trấn Biên, tức tỉnh Biên Hòa, gồm có 3 làng bắt đầu bằng chữ Thắng là Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam, vì vậy mới có tên là Tam Thắng.
Lịch sử của 3 làng này được ghi trong sử liệu rằng: Thuở ấy vùng biển này thường có bọn hải khấu người Mã Lai khuấy động, đón đường cướp bóc các thuyền buôn người Việt. Vua Gia Long bèn phái 3 đội quân đi trên 3 chiến thuyền vào Nam để bảo vệ thương thuyền người Việt, 3 thuyền đó mang tên: thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Nhì và thuyền Thắng Tam. Mỗi chiến chuyền có một đội quân do Đội trưởng chỉ huy. Ba đội quân này đóng tại mũi Vũng Tàu, là nơi thuận lợi để kiểm soát vùng biển và sông, khi cần có thể nhanh chóng đuổi theo để diệt trừ hải tặc. Ba đội quân đổ bộ lên đất liền, lập trại và đặt tên là Phước Thắng.
Mấy năm sau, phần nhiều hải tặc Mã Lai và Tàu Ô bị diệt trừ, số còn lại không dám bén mảng tới cướp bóc nữa. Nhiệm vụ hoàn thành, năm 1822 vua Minh Mạng sắc chiếu ban khen, ban thưởng phẩm hàm cho các quân nhân, họ được giải ngũ và được vua cấp đất cho họ lập làng tại chỗ, 3 làng đó mang tên 3 chiến thuyền là Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam, được miễn hoàn toàn các loại sắc thuế.
ĐNCT