Theo báo cáo của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng (TN&XLNTĐN), tính đến hết năm 2015, thành phố có 58 điểm ngập, hiện có 15 vị trí được xử lý hết ngập. Theo số liệu thống kê khác, có đến 51 vị trí cống thoát nước bị đường ống cáp quang, cấp nước, điện lực… đi xuyên qua gây ra tình trạng tắc nghẽn, thắt nút cổ chai. Điều đáng nói, trong bài toán giải quyết tình trạng trên, cho đến nay vẫn chưa có tiếng nói chung giữa các đơn vị liên quan; vì vậy tình trạng ngập khó bề giải quyết rốt ráo.
Điểm ngập lưu niên tại tổ 114 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. |
Trong số 58 điểm ngập trên, nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thoát nước trong các khu quy hoạch mới không được triển khai đồng bộ, dẫn đến việc khớp nối chưa được thực hiện hiệu quả, với 23 trong tổng số 58 điểm (trong số này, quận Sơn Trà chiếm đến 8 điểm, quận Liên Chiểu có 7 điểm); có 17 điểm ngập thường niên do chưa có quy hoạch, không có hệ thống thoát nước; có 9 điểm ngập do cao trình đấu nối không hợp lý; 8 điểm ngập do hiện trạng hệ thống thoát nước không đủ khả năng thoát nước. Nguyên nhân gây ngập do hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn chỉ có 1 điểm tại khu vực tổ 27, 28 phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn).
Cùng với đó, đại diện Công ty TN&XLNTĐN cho biết, tình trạng ống cáp quang, cấp nước… đi xuyên qua hệ thống cống thoát nước gây ra tình trạng tắc nghẽn, thắt nút cổ chai diễn ra thường xuyên và diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo số liệu thống kê, có tổng số 51 vị trí cống thoát nước bị cản trở dòng chảy bởi các yếu tố nói trên; bình quân mức độ cản dòng từ 20-90% diện tích (lấn chiếm) so với tổng diện tích lòng cống. Quận Sơn Trà là địa phương có số vị trí cống thoát nước bị chẹn dòng cao nhất (với 14 điểm). Tiếp theo là quận Ngũ Hành Sơn 13 điểm, Liên Chiểu 10 điểm, Thanh Khê 8 điểm, Hải Châu 5 điểm và Cẩm Lệ 1 điểm.
Một số vị trí cống thoát nước bị chiếm diện tích lòng lớn như tại nút giao đường Nguyễn Lương Bằng - Phan Văn Đạt, Nguyễn Lương Bằng - Phạm Văn Ngôn (chiếm 89% diện tích), đoạn qua đường Phạm Như Xương - Tôn Đức Thắng 70%, hố ga đường Quang Trung - Đống Đa 67%... Đáng nói, việc các đơn vị có ống dẫn cáp quang, cấp nước, điện lực, bưu điện… khi thực hiện đi dây ngang luồn trong ống thoát nước hoặc hố ga đều không thông báo cũng như xin ý kiến của đơn vị chủ quản là Công ty TN&XLNTĐN.
Điều này dẫn tới tình trạng tắc nghẽn dòng chảy càng trầm trọng bởi tốc độ phát triển các loại dịch vụ trên ngày càng lớn.
Để giải quyết thực trạng trên, mới đây, Sở Xây dựng có công văn gửi UBND thành phố, kiến nghị các đơn vị chủ quản sớm di dời các tuyến ống gây cản trở dòng chảy thoát nước ra khỏi hệ thống thoát nước đô thị trước ngày 30-6-2016. Trường hợp các đơn vị chủ quản không thực hiện, Công ty TN&XLNTĐN sẽ thực hiện di dời và không chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra.
21 vị trí ngập chưa có phương án xử lý Công ty TN&XLNTĐN cho biết, trong số 58 điểm ngập, hiện có 15 vị trí được xử lý hết ngập (tiếp tục theo dõi trong mùa mưa 2016), 22 vị trí ngập đang và sắp được triển khai thi công từ cuối năm 2015 và đầu 2016 (công trình thoát nước dọc tuyến mương Khe Cạn đoạn đi qua khu vực phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đang được thi công). Còn 21 vị trí ngập trước mùa mưa 2016 vẫn chưa có phương án xử lý. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY