.

Phản hồi Vụ "Rừng Trung Sơn bị tàn phá": Vận động dân không cơi nới, xây dựng trái phép

.

Báo Đà Nẵng số ra ngày 6-4-2016 đăng bài viết “Rừng Trung Sơn bị tàn phá”, phản ánh tình trạng một số người dân chặt, đốt cây trái phép trong đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), gây hoang mang trong dân chúng.

Lực lượng chức năng xã Hòa Liên “chứng minh” các đụn cát là những mộ giả. Ảnh: T.HUY
Lực lượng chức năng xã Hòa Liên “chứng minh” các đụn cát là những mộ giả. Ảnh: T.HUY

Theo công văn phản hồi của UBND huyện Hòa Vang ngày 25-4, Dự án Khu di tích đồi Trung Sơn được UBND thành phố phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và giao cho Công ty TNHH NLPT đầu tư, tôn tạo tại Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 1-3-2016.

Theo Công văn số 592/SNN-PTNT ngày 12-4-2016 của Sở NN&PTNT, rừng Trung Sơn mà người dân làng Trung Sơn bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm nay chỉ là khu đồi tồn tại cây bụi, có ít cây thân gỗ cao chưa quá 5m, không đủ yếu tố để xác định là rừng (?!).

Tuy nhiên, công văn phản hồi của UBND huyện Hòa Vang cũng nêu rõ: Sau khi kiểm tra hiện trường cũng như xác minh các thông tin liên quan, “UBND huyện Hòa Vang cũng yêu cầu UBND xã Hòa Liên tổ chức san gạt các đụn cát hình nấm đã phát hiện tại khu vực, hoàn trả hiện trạng ban đầu và thường xuyên tuần tra, quản lý quy hoạch tại khu vực; đồng thời, tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về quản lý quy hoạch, không được cơi nới, xây dựng trái phép, chặt phá cây rừng và làm mộ giả trong quy hoạch dự án di tích đồi Trung Sơn”.

* Ngày 7-4-2016, Báo Đà Nẵng đăng bài viết “Thêm vụ bán đất rừng làm nghĩa trang”, phản ánh vụ việc ông Nguyễn Trí (ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bán đất rừng (thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương) cho một người khác để làm nghĩa trang, bên cạnh một số hộ dân thôn Nam Thành khác cải tạo đất rừng bán làm nghĩa trang. Ngày 25-4, UBND huyện Hòa Vang có công văn phản hồi.

Đối với trường hợp cải tạo đất lâm nghiệp làm nghĩa trang của ông Nguyễn Trí là do “tự ý tặng cho đất lâm nghiệp để làm mộ” giữa ông Nguyễn Trí (chủ đất) “tặng” cho ông Nguyễn Hữu Thái với diện tích 200m2 để làm nghĩa trang chôn cất người thân trong gia đình. Về chi tiết này, qua xác minh của phóng viên và trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Trí trước đó thì đây là đất ông bán lại cho ông Thái để làm nghĩa trang. Sau khi vụ việc xảy ra, quá trình xử lý vụ việc của cơ quan chức năng huyện Hòa Vang diễn ra chậm. Mặc dù được phát hiện và buộc xử lý tháo dỡ tường rào từ tháng 11-2015 nhưng đến đầu tháng 4-2016, theo quan sát của phóng viên thì bờ rào bao quanh phần đất được ông Trí “tặng” vẫn nguyên trạng, chưa có dấu hiệu phá dỡ.

Đối với phần đất khoảng 1.000m2 của ông Trần Tiến, đây là đất rừng trồng cây lâm nghiệp lâu năm. Việc cải tạo trên, theo công văn là do “trước đây, gia đình ông Tiến khai phá sử dụng đất trồng cây lâm nghiệp qua nhiều năm nhưng khu đất cằn cỗi, trồng cây kém hiệu quả nên ông đã tiến hành cải tạo tại chỗ, san ủi mặt bằng” (?!).

Theo quan sát của phóng viên, tại vị trí mới san ủi để bán đất làm nghĩa trang (theo lời kể của ông Tiến) chưa có ngôi mộ nào nhưng xung quanh có rất nhiều lô đất được khoanh thành khoảnh và đã chôn mộ khá nhiều. “Trong thời gian đến, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường tổ chức quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tổ chức thu hồi giao UBND xã quản lý đối với các diện tích đất nông lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích”, công văn nêu rõ.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.