Sống dưới tuyến đường dây điện 110kV có an toàn?

.

Một số hộ dân sinh sống dưới đường điện lưới 110kV trải dài từ địa bàn quận Ngũ Hành Sơn qua quận Sơn Trà bày tỏ thắc mắc về việc sinh sống dưới lưới điện cao thế có an toàn; nhất là mỗi khi vào mùa mưa, dây điện thường phát ra những âm thanh lớn.

Ngôi nhà số 60 Nguyễn Thiện Kế của hộ ông Lê Thanh Lâm nằm sát một cột điện cao thế của tuyến đường dây 100kV Ngũ Hành Sơn - Sơn Trà.
Ngôi nhà số 60 Nguyễn Thiện Kế của hộ ông Lê Thanh Lâm nằm sát một cột điện cao thế của tuyến đường dây 100kV Ngũ Hành Sơn - Sơn Trà.

Ngôi nhà cấp 4 có gác lửng ở số 60 Nguyễn Thiện Kế (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) là của hộ ông Lê Thanh Lâm (54 tuổi) nằm sát một cột điện cao thế đường dây 100kV Ngũ Hành Sơn - Sơn Trà. Ông Lâm cho biết, ngôi nhà đã xuống cấp, phần mái lợp bằng ngói prô xi-măng đã bị mục nát nên gia đình muốn xin phép sửa lại nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý. “Mùa mưa, đường điện thường phát ra nhiều tiếng kêu lép bép. Về ảnh hưởng của từ trường hay điện trường của đường dây điện này thì tôi không rõ lắm nhưng gia đình tôi cảm thấy lo lắng”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Cao Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND phường An Hải Đông cho hay, đối với các hộ dân trên địa bàn có nhà nằm dưới đường dây 110kV Ngũ Hành Sơn- Sơn Trà, UBND phường đã nắm rõ và thường xuyên nhắc nhở các hộ thực hiện đúng quy định, không được lén xây dựng hoặc có hành vi khác ảnh hưởng an toàn lưới điện. “Khi người dân có nhu cầu sửa chữa nhà ở, cần báo với phường. Sau đó, phường hướng dẫn người dân đến Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (gọi tắt là Điện lực Đà Nẵng - PV) để đơn vị này thẩm định, khảo sát về khoảng cách, chiều cao công trình và hướng dẫn cách thức xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cũng như làm văn bản thỏa thuận với từng trường hợp cụ thể”, ông Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Thành Tâm, thuộc Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Đà Nẵng - Điện lực Đà Nẵng cho biết, tuyến đường dây này có tên gọi là tuyến đường dây 110kV+220kV, điểm đầu là trạm 220kV Ngũ Hành Sơn (ký hiệu E13, thuộc quận Ngũ Hành Sơn) và điểm cuối là trạm 110kV An Đồn (ký hiệu E14, thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), tổng chiều dài hơn 4,6km. Tuyến đường dây 110kV này đã được UBND thành phố phê duyệt đề án Bảo vệ môi trường theo Quyết định số 6195/QĐ-UBND ngày 6-9-2013.

Đường dây được xây dựng từ năm 2000, đến năm 2001 đưa vào sử dụng tới nay. Đây là đường dây huyết mạch bảo đảm cấp điện cho nhân dân quận Sơn Trà và Khu công nghiệp An Đồn. Tiết diện dây AC 240/29, loại dây nhôm có lõi thép, dòng điện cho phép 610A. Mức độ mang tải của đường dây là 50%. Chiều cao cột điện từ 25-27m, độ võng của dây điện từ 10-16m tùy theo khoảng cách các cột.
Theo ông Tâm, trong quá trình đầu tư xây dựng đường dây này, ngành điện đã thực hiện đúng các quy định về hành lang an toàn lưới điện cao áp. Hằng năm, đường dây đều được tiến hành quan trắc các thành tố điện từ trường và có kết quả đánh giá theo các tiêu chí cụ thể. Năm 2018, kết quả quan trắc lấy mẫu là vị trí 23, 24 và 25 (các vị trí ở đoạn giữa của tuyến đường dây E13-E14) đều nằm trong các thông số giới hạn cho phép. Trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, cường độ điện, từ trường đều bảo đảm cho người dân sản xuất, canh tác bình thường. Qua kiểm tra định kỳ cũng không phát hiện hiện tượng sạt lở mòng trụ, gãy đổ cột...

Theo ông Tâm, hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không được quy định: chiều dài hành lang tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm này đến vị trí đường dây đi vào ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp. Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh theo quy định. Ở đây là tuyến đường dây 110kV thì quy định là dây trần, khoảng cách 4m. Mọi hành vi vi phạm về khoảng cách hành lang an toàn điện đều bị xử phạt theo quy định.

Về vấn đề tiếng ồn do đường dây phát ra, theo ông Tâm, thường khi thời tiết ẩm, sứ bẩn thì sẽ phát ra tiếng kêu, chỉ cần làm vệ sinh sứ sạch sẽ thì không còn hiện tượng này. “Khi phát hiện đường dây điện có tiếng kêu, người dân nên báo với Tổ quản lý vận hành đường dây theo số điện thoại 0963466799 hoặc 0236.2681165, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý ngay. Khi phát hiện các trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép trong hành lang an toàn lưới điện, người dân cũng nên báo với Tổ quản lý để xử lý kịp thời, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra”, ông Tâm khuyến cáo.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.